Nuông chiều Bộ Công an quá mức, giờ Tổng bứng Tô khó như bứng ngọn núi!

Lẽ ra, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải ra luật Đảng, để hạn chế quyền hành của Bộ trưởng Bộ Công an. Tuy nhiên, Tổng Trọng lại chiều chuộng Bộ Công an quá mức, như là cách mua lòng trung thành của lực lượng này. Đây là cách làm thiển cận và không lường trước hậu hoạ.

Có người nhận xét, sở dĩ ông Trần Đại Quang phải mất mạng, là vì ông đã tạo ra cảm giác bất an thường trực cho các “đồng chí” của ông. Năm 2016, ông Trần Đại Quang rời ghế Bộ trưởng Bộ Công an, để ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Khi đó, thế lực của Tô Lâm chỉ mới hình thành, còn rất non trẻ. Có thông tin cho biết, lúc đó, Trần Đại Quang tuy ngồi ghế Chủ tịch nước, nhưng uy tín của ông trong Bộ Công an vẫn còn, khiến cho thế lực của Tô Lâm không thể mở rộng được. Lúc đó, Tô Lâm là cánh tay đắc lực cho ông Nguyễn Phú Trọng.

Năm 2018, ông Trần Đại Quang mất, đấy cũng là thời điểm mà thế lực của Tô Lâm lớn mạnh, và nhờ đó, Tô Lâm thiết lập vây cánh cho mình như ngày hôm nay.

Hiện nay, Tô Lâm đã xây dựng thế lực cho phe Hưng Yên tại Bộ Công an, vững chắc hơn ông Trần Đại Quang rất nhiều. Nguyên nhân là Tô Lâm ngồi ghế Bộ trưởng lâu hơn Trần Đại Quang, đồng thời, Tô Lâm cũng rút được bài học từ Trần Đại Quang. Sự ảnh hưởng của Trần Đại Quang ở Bộ Công an có thể hạn chế sức mạnh của Tô Lâm, nhưng lại không thể tự bảo vệ được chính mình.

Trước khi ra mặt tạo phản đối với Tổng Trọng, Tô Lâm đã nâng Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc lên ngang hàng với Trần Quốc Tỏ. Đặc biệt là, Nguyễn Duy Ngọc được tăng chức và thăng quân hàm rất nhanh, để kịp tham gia mâm quyền lực cạnh tranh chức Bộ trưởng, sau khi Tô Lâm rút.

Dưới Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc có đến 13 tướng tá gốc Hưng Yên. Tuy nhiên, đấy chưa phải là con số cuối cùng. Phe Tô Lâm trong Bộ Công an, với nòng cốt là người Hưng Yên, là 63 giám đốc công an ở các tỉnh/ thành. Những người này đều là những tướng mà Tô Lâm tin cậy lựa chọn. Trong đó, Tô Lâm chọn tướng giỏi Đinh Văn Nơi, lót ổ ngay tại Quảng Ninh, nơi mà ông Phạm Minh Chính từng làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Trong tất cả các bộ trưởng thuộc Chính phủ, trừ Bộ Công an, thì không một bộ trưởng nào có quyền bổ nhiệm giám đốc sở, tại các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Rõ ràng, đấy là sự chiều chuộng quá mức của Đảng Cộng sản, đối với Bộ Công an. Mục đích là nuôi dưỡng lực lượng này để bảo vệ Đảng.

Đứa con được nuông chiều thì sinh hư, và đó chính là hình ảnh của Bộ Công an hiện nay. Để cho Tô Lâm quyền bổ nhiệm các giám đốc sở, rót ngân sách quá lớn cho Bộ Công an, và cho phép Bộ này tuyển thêm quân, mở rộng các ban bệ vv… Tất cả những điều này đã giúp Tô Lâm tạo dựng hệ thống mạng lưới rộng lớn trong Bộ này. Giờ đây, nếu ông Trọng có giành lại được Bộ Công an, để giao cho đồ đệ của mình, thì trong thời gian ngắn ngủi từ nay đến hết nhiệm kỳ, cũng không thể xóa hết vết tích do ông Tô Lâm để lại tại Bộ này.

Ngoài chuyện Tô Lâm cài tay chân thân tín tại các tỉnh, để kiểm soát các lãnh đạo đầu tỉnh, thì Tô Lâm cũng thành công cài người em vợ là Vũ Hồng Văn vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Hiện nay, Tô Lâm còn muốn vị trí Chánh văn phòng Trung ương Đảng, giao vào tay một trong các đồ đệ thân tín của ông.

Gỡ cho được “của nợ” Tô Lâm ra khỏi vị trí quyền lực, đang là bài toán nan giải đối với ông Trọng và ông Chính. Hơn nữa, nếu vẫn để cho Bộ trưởng Bộ Công an có quá nhiều quyền lực như hiện nay, thì cho dù sau này, Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú hay Nguyễn Hòa Bình nắm giữ chức Bộ trưởng Công an, thì họ cũng sẽ hành xử như Tô Lâm. Bởi quyền lực trong tay quá nhiều, dại gì không lợi dụng để tranh đoạt quyền lực cá nhân?

Ý Nhi – Thoibao.de