Ngày 28/5, Blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt có bài: ““Dám nghĩ, dám làm” trong một hệ thống rệu rã”.
Tác giả cho biết, ông Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội khóa 15, vừa đề nghị các đồng liêu, cùng soạn thảo và ban hành riêng một nghị quyết, để khắc phục chuyện viên chức “không dám hành động do sợ sai”. Ý tưởng đó được một số Đại biểu Quốc hội tán thành bởi “đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm khi thực thi công vụ” là thực trạng “nhân dân thấy rõ, có người còn cho đó là đặc điểm nổi bật của cán bộ, công chức trong thời gian vừa qua”.
Tuy nhiên, cũng theo tác giả, chẳng có gì bảo đảm rằng, nếu quốc hội dùng “giấy trắng, mực đen”, khuyến khích viên chức “vận dụng hoặc lựa chọn các quy định của pháp luật phù hợp nhất, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế” khi thực thi công vụ thì điều đó sẽ giúp hệ thống công quyền thoát ra khỏi tình trạng “tụ thủ bàng quan”…
Tác giả cho hay, tháng 9/2021, Bộ Chính trị khóa 15, ban hành Kết luận số 14-KL/TW, thông báo “chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Thông báo vừa kể được ca ngợi là: “Luồng gió mới tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, khát vọng, ý chí phấn đấu vượt khó, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn có tính cấp bách. Cụ thể hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “sáu dám”: Dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng”.
Theo Trân Văn, thực tế chứng minh là “cán bộ, đảng viên” không những không màng mà còn tiếp tục làm ngược lại với… “sáu dám” mạnh mẽ hơn.
Do vậy sau hai năm, tới lượt Chính phủ ban hành “quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” trong Nghị định số 73/2023/NÐ-CP.
Dù vậy, tác giả dẫn chứng kết quả: Cách nay mươi ngày, Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và một số quốc gia, tổ chức ngoại quốc gửi cho Thủ tướng Việt Nam một thư cảnh báo, lưu ý, trong ba năm vừa qua, Việt Nam đã để vuột mất khoản tài trợ ít nhất là 2,5 tỷ USD và có thể sẽ mất thêm chừng một tỷ USD tài trợ nữa vì bộ máy công quyền bất động.
Trân Văn cho biết, trong phiên họp theo định kỳ của chính phủ vào tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính thúc giục các viên chức hữu trách: “Không ngại, không sợ quy định vừa ban hành đã sửa, điều quan trọng là nhìn thẳng vào sự thật, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và cầu thị lắng nghe để hành động.”
Bình luận thêm, tác giả cho rằng, Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới mà tư duy và chỉ đạo của những cá nhân đứng đầu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền… “thoáng” như thế!
Tác giả cũng cho rằng, dường như ông Chính – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, Đại biểu Quốc hội, không biết hoặc chẳng thèm bận tâm đến “chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội” mà một số thức giả từng lưu ý trên hệ thống truyền thông chính thức, đại ý, ban hành các qui định pháp luật, phải chú ý đến chi phí phát sinh do cần điều chỉnh, để tuân thủ của từng cá nhân công dân, doanh giới, lẫn các cơ quan công quyền.
Thật tế, tác giả Trân Văn nghĩ, ít ai tin “chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội” của Việt Nam chỉ có “1,556 triệu tỷ đồng” vì Việt Nam khác với phần còn lại của thế giới. Trong khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới từng công bố ước tính, “chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội” chiếm trung bình 10% GDP ở các nước phát triển, và 15% GDP ở các nước đang phát triển.
Tác giả nhận định: “Thiên hạ sẽ không thể hiểu được tại sao “nhìn thẳng vào sự thật, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và cầu thị lắng nghe để hành động” nhưng gần như toàn bộ hoạt động lập pháp, lập quy trong vài thập niên gần đây, chỉ nhằm để cải sửa những quy phạm pháp luật trước đó và cải sửa thế nào thì cũng có vô số “vướng mắc”, giống như đặt bẫy khiến cán bộ, đảng viên kiên định với điều mà báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ví von là “ba không”: Không nói. Không tham mưu, đề xuất. Không triển khai hoặc triển khai công việc cầm chừng, vừa làm, vừa nghe ngóng.”
Hoàng Anh – Thoibao.de