Sau Hội nghị Trung ương 9 khóa 13, với những thay đổi lớn về nhân sự của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự góp mặt của phía quân đội. Cán cân quyền lực trong nội bộ Đảng đã được điều chỉnh, và giúp cho Tổng Trọng lấy lại được thực quyền.
Sau khi cựu Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm nhậm chức Chủ tịch nước, ngay lập tức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định, chỉ định ông Trần Quốc Tỏ – Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, tạm điều hành Bộ này.
Từ đó cho đến nay, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Bộ Công an đã có nhiều thay đổi đáng kể.
Cụ thể:
Thứ nhất, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, một nhân vật thân cận của Chủ tịch nước Tô Lâm, đã chuyển sang nhận công tác mới tại Văn phòng Chủ tịch nước.
Thứ 2, trên mạng xã hội ngày 1/6, loan truyền một văn bản là thư mời báo chí dự họp vào ngày 3/6, để công bố Quyết định Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, sẽ nhậm chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng từ ông Lê Minh Hưng. Như vậy, ông Lê Minh Hưng chỉ nắm giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Tướng Nguyễn Duy Ngọc là Thứ trưởng phụ trách cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an, một đồng hương với cựu Bộ trưởng Tô Lâm. Cũng tương tự như ông Lương Tam Quang – nhân vật mà ông Tô Lâm hy vọng sẽ trở thành tân Bộ trưởng, kế nhiệm ông, trước khi ông ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch nước.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Trung ương 9, trong danh sách 4 ủy viên Bộ Chính trị được bổ sung, không có tên ông Lương Tam Quang. Bởi lý do đương nhiên, ông Quang chưa đủ 1 nhiệm kỳ trong vai trò Ủy viên Trung ương Đảng theo quy định.
Tướng Nguyễn Duy Ngọc được đánh giá là một nhân vật rất khó hiểu, dẫu là một đồng hương Hưng Yên và được ông Tô Lâm nâng đỡ. Nhưng trước đây, có những đồn đoán cho biết, Tướng Ngọc có mối quan hệ tốt với ông Phan Đình Trạc – Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ông Trạc cũng là một ứng viên tiềm năng cho ghế Bộ trưởng Bộ Công an, theo mong muốn của Tổng Trọng.
Ngoài ra, cách đây không lâu, có những đồn đoán cho rằng, ông Nguyễn Duy Ngọc có tên trong ê-kip chính trị, và có mối quan hệ rất tốt trong liên minh của Đại tướng Lương Cường, nay là tân Thường trực Ban Bí thư.
Đó là lý do vì sao, việc Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, sẽ nhậm chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, không hề gây bất ngờ. Nhưng thế chân vạc – “kiềng ba chân” – vốn là sức mạnh của Bộ Công an, nay đã bị xé lẻ.
Trước đó là sự ra đi của cựu Bộ trưởng Tô Lâm, sắp tới đây là sự ra đi của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc. Như vậy, Tướng Lương Tam Quang – tay chân đắc lực của Tô Lâm còn ở lại Bộ Công an, có khả năng bị biến thành một ông đầu rau “cô đơn”, nằm dưới sự kiểm soát của Tướng Trần Quốc Tỏ. Điều đó cho thấy, nội bộ của Bộ Công an nói riêng và phe cánh Hưng Yên đã bị xé lẻ, phân rã, và suy yếu nhanh chóng.
Với cương vị Chánh Văn phòng Trung ương, cơ hội vào Bộ Chính trị trong các kỳ Đại hội Đảng sắp tới của ông Nguyễn Duy Ngọc là rất cao, bỏ xa Lương Tam Quang. Việc ông Ngọc ngồi thay chiếc ghế này từ ông Lê Minh Hưng – một người được mệnh danh là tay hòm chìa khóa của Tổng Trọng, có một ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo giới quan sát, việc điều Tướng Ngọc sang hoạt động và làm việc bên Đảng, ngoài việc để giám sát và cách ly, đồng thời, “giới chức có thẩm quyền” sẽ sử dụng ông Ngọc như một chiếc chìa khóa, để giải mã các bí mật của Tô Lâm, trong việc lập hồ sơ “luận tội” ông. Đây là một nước cờ cao tay, dùng người của Tô Lâm để trị Tô Lâm, đồng thời, là biện pháp chia rẽ, để nội bộ Bộ Công an nghi ngờ lẫn nhau.
Ngoài ra, việc Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc rời khỏi Bộ Công an, sẽ để lại một ghế Thứ trưởng bỏ trống, và nghiễm nhiên, phe của Tổng Trọng sẽ trám người của mình vào. Đây là diệu kế, “nhất tiễn hạ song điêu”, để phe cánh Tổng Bí thư tiến tới kiểm soát toàn diện Bộ Công an.
Những điều vừa kể để thấy, mục tiêu “chia đàn, xẻ nghé” của “cấp có thẩm quyền” là điều có thật. Không có lý do gì để cho rằng, việc đưa Nguyễn Duy Ngọc ngồi ghế Chánh Văn phòng Trung ương, là thắng lợi của Chủ tịch Tô Lâm và phe cánh. Bởi một lẽ tự nhiên, không có bất kỳ ai đang ở thế kẻ mạnh, đang trong vai trò làm chủ cuộc chơi, lại mở cơ hội để chắp thêm nanh vuốt cho kẻ thù.
Xin nhắc lại, với sự thay đổi theo mô hình Ban Chỉ đạo mới của Tổng Bí thư, thì chức Bộ trưởng Bộ Công an chỉ là một thành viên, không còn khả năng chi phối chiến dịch “đốt lò” như trước đây.
Người thực sự nắm quyền duy nhất vẫn là Tổng Trọng.
Trà My – Thoibao.de