Xem ra, chọn nhân sự cho ghế Bộ trưởng Bộ Công an còn khó hơn ghế Chủ tịch nước. Nguyên nhân là bởi chiếc ghế này quyết định cục diện giữa các phe ở thượng tầng chính trị.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng đưa được 1 trong 3 uỷ viên Bộ Chính trị thuộc Ban Bí thư của ông vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an, thì xem như, trò chơi kết thúc với Tô Lâm. Nếu như vậy, Tô Lâm xem như bị tước binh quyền hoàn toàn. Lúc đó, Tô Lâm buộc phải chấp nhận số phận.
Còn nếu Lương Tam Quang được chọn làm Bộ trưởng, thì xem như, phe ông Tổng thất bại.
Cho đến nay, vẫn chưa phe nào cho thấy khả năng chắc chắn với chiếc ghế Bộ trưởng Công an. Lẽ ra, với 3 uỷ viên Bộ Chính trị, ông Nguyễn Phú Trọng có đủ lý do để gạt Lương Tam Quang ra khỏi cuộc đua vào ghế Bộ trưởng Công an, ấy vậy mà ông cứ loay hoay mãi, không quyết được. Nhìn vào tương quan lực lượng trong Bộ Chính trị, giữa phe ông Tổng và phe Hưng Yên, thì thấy, chênh lệch rất lớn. Tô Lâm lấy 1 chọi 8.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao, với thế và lực ít ỏi như vậy, một mình Tô Lâm đấu tranh với 8 uỷ viên Bộ Chính trị của Ban Bí thư, mà vẫn duy trì thế trận ngang ngửa. Ắt hẳn, Tô Lâm phải nắm giữ “bí kíp” nào đấy, mới đủ khả năng để một mình cân nửa Bộ Chính trị.
Nhìn lại những trận so găng trước đây, Tô Lâm đánh vào nhóm Nghệ An, lúc đó, trong Bộ Chính trị, Tô Lâm lấy 1 chọi 3 và đã hạ được tướng đầu đàn của phe Nghệ An. Giờ đây, Tô Lâm lại dám lấy một chọi 8, thì quả thật, sức mạnh của Tô Lâm thật đáng sợ.
Từ trận so găng với phe Nghệ An, có thể hình dung ra vũ khí mà Tô Lâm đã dùng. Đấy là hồ sơ đen của Vương Đình Huệ. Cú đánh cực hiểm này đã khiến cho Vương Đình Huệ ngã ngựa. Từ đó có thể thấy, nắm hồ sơ đen các đối thủ là vũ khí lợi hại mà Tô Lâm đang có. Nhờ đó, Tô Lâm có thể lấy 1 chọi 3, rồi tiếp tục lấy 1 chọi 8 như hiện nay.
Sau khi Tô Lâm hạ bà Trương Thị Mai, ông Trọng đắp ngay 4 tân uỷ viên vào Bộ Chính trị, nâng tổng số uỷ viên Bộ Chính trị trong Ban Bí thư lên con số 8, chiếm phân nửa Bộ này. Điều đáng nói là, ông Trọng đưa Tướng Lương Cường trám vào vị trí mà bà Trương Thị Mai để lại. Kế hoạch được xem là hoàn hảo. Tuy nhiên, cuối cùng, kế hoạch này đã bộc lộ nhược điểm.
Thứ nhất, ông Lương Cường chỉ mạnh về phòng thủ mà yếu về tấn công. Ông sẽ không bị Tô Lâm điều tra, vì công an không có thẩm quyền điều tra bên quân đội. Tuy nhiên, Tướng Lương Cường nắm chức Tổng Cục trưởng Tổng Cục chính trị, chưa quản lý cơ quan điều tra hay cơ quan tình báo của quân đội, cho nên, ông khó có thể ra lệnh hoặc tác động để những cơ quan này điều tra Tô Lâm.
Ngoài ra, 4 tân uỷ viên Bộ Chính trị đều là những người mà Tô Lâm có thể điều tra và lập hồ sơ đen, để uy hiếp họ. Đặc biệt là ông Lê Minh Hưng – người từng làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thời kỳ ông Hưng làm Thống đốc, đã để xảy ra rất nhiều vụ bê bối liên quan đến ngành ngân hàng, trong đó có Ngân hàng SCB sân sau của Vạn Thịnh Phát.
Bất cứ ai dính chàm đều phải sợ Tô Lâm, nếu dám ra mặt chống đối, Tô Lâm có thể cho rụng ngay và luôn như Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ.
Ghế Bộ trưởng Bộ Công an không chỉ ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị của ông Tô Lâm, mà có khi nó còn quyết định cả sinh mạng của ông. Bài học Trần Đại Quang vẫn còn nóng hổi. Vì tính sống còn, Tô Lâm sẽ không từ bất kỳ thủ đoạn nào.
Hiện nay, làm cách nào để tước bỏ hết ảnh hưởng của Tô Lâm ở Bộ Công an, là bài toán lớn nhất, và cũng là bài toán khó nhất, đối với ông Nguyễn Phú Trọng. Trò chơi này rất khốc liệt, chỉ có thể “thịt hoặc bị thịt” mà thôi.
Thái Hà – Thoibao.de