Không ai “đáng” bị cầm tù chỉ vì có quan điểm trái ngược với chính quyền

Ngày 2/6, báo Tiếng Dân đăng tải bài viết của Luật sư Đặng Đình Mạnh với tựa đề “Sao lại hồ hởi với việc Osin bị bắt?”.

Kèm theo bài viết là lời bình của báo Tiếng Dân, cho biết:

“Mặc dù truyền thông “lề Đảng” vẫn chưa xác nhận, nhưng thông tin nhà báo Huy Đức, (tên thật là Trương Huy San, bút danh Osin), tác giả “Bên Thắng Cuộc” bị bắt, đã làm nóng cộng đồng mạng.

Một số người cho rằng, nhà báo Huy Đức là người của phe này, phe kia, nhưng chúng tôi nghĩ, ông chỉ đơn giản là một cây bút bất đồng chính kiến đang sống trong thể chế độc tài. Những bài viết của ông nói lên quan điểm của mình, hoàn toàn khác với quan điểm của nhà cầm quyền, cho nên, chuyện ông bị bắt chỉ là vấn đề thời gian, và có thể, ông cũng đã đoán trước được, bởi trong chế độ này, dám viết như ông không bị bắt mới là lạ.”

Sau đây là bài viết của Luật sư Đặng Đình Mạnh:

Sau khi cô Lê Nguyễn Hương Trà (tức Cô gái Đồ Long) cây viết thạo tin nhất Việt Nam đưa tin, nhà báo Huy Đức (tức Trương Huy San, Osin) vừa bị bắt giữ, khởi tố hình sự và khám xét nơi ở, thì khá nhiều bạn tỏ vẻ hồ hởi?!

Tôi hơi ngạc nhiên, vì nếu không có mối thâm thù riêng tư gì với Huy Đức, thì sao các bạn lại vui như vậy? Theo dõi Huy Đức từ lâu, tôi nhận thấy, anh ấy là người rất điềm đạm trên trang Facebook của mình, không sa đà vào những tranh cãi trước những lời bình luận trái chiều hoặc khiêu khích.

Nếu các bạn cho rằng, Huy Đức là người được ông Trọng chống lưng, tôi đồng ý. Nếu các bạn cho rằng, Huy Đức là cây viết đấm đá cho phe cánh trong chế độ, tôi vẫn đồng ý.

Nhưng những điều đó chưa đủ vẽ lên chân dung đầy đủ của Huy Đức, để mà chúng ta có thể phán xét, quy chụp.

Chắc nhiều bạn còn nhớ, Huy Đức đã là tác giả của bộ sách Bên Thắng Cuộc, khi đưa công khai ra trước công chúng toàn bộ chuyện cung đình của chế độ, kéo dài trong nhiều thập kỷ, liên quan đến hàng trăm nhân vật, sự kiện, mang tầm vóc lịch sử. Trong đó, có nhiều nhân vật, sự kiện công chúng chỉ biết qua sự xét đoán, thông tin rời rạc, thì nhờ nhà báo Huy Đức, qua bộ sách Bên Thắng Cuộc, mà các sự kiện đó đã được xác nhận là sự thật lịch sử. Không chỉ là sự thật lịch sử, mà còn cho thấy rõ bản chất phản động, là bộ mặt thật đầy xấu xí của chế độ.

Thỉnh thoảng, trên trang mạng xã hội của mình, Huy Đức vẫn đăng tải các bài viết có nội dung đánh giá về chính sách, về nhân vật chính trị đương thời… Như lời một ký giả đang làm việc tại một đài truyền thông lớn của Hoa Kỳ có trụ sở tại DC, đã đánh giá về Huy Đức, khi biết tin anh ấy bị bắt giữ: “Huy Đức viết đánh thẳng vào đầu não, chứ đâu phải là người chỉ đánh từ vai trở xuống…”. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận, Huy Đức đã không viết để “đánh” người chống lưng cho mình.

Chỉ với từng ấy việc, Huy Đức đã là cây viết gần đúng với thiên chức nhà báo nhất mà chúng ta đã từng biết. Anh ấy bị bắt giữ, khởi tố hình sự, chứng tỏ anh ấy đã viết những điều mà chế độ không cho phép viết. Cho thấy, anh ấy đã bản lĩnh hơn cả hàng vạn cây viết được xưng danh nhà báo cách mạng, nhưng chỉ viết một chiều, kể cả viết dối trá và viết những điều được phép viết.

Thậm chí, cho dù chúng ta không hài lòng hoặc có quan điểm trái ngược với những vấn đề mà nhà báo Huy Đức đã từng viết, đề cập, thì việc chế độ đàn áp anh ấy chỉ vì những bài viết thể hiện quan điểm chính trị của một người, thì cũng vẫn là bất công. Vì lẽ, thế giới văn minh không ai cầm tù những người có quan điểm, nhận thức và viết trái với chính sách, quan điểm của chính quyền cả.

Tôi đã từng thấy nhiều bạn trích dẫn câu nói kinh điển, thường được cho là của Voltaire, nhà văn, nhà tư tưởng Pháp quốc, rằng: “Tôi không đồng tình với những gì bạn phát biểu, nhưng tôi sẵn sàng chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền được phát biểu của bạn”.

Cho nên, lúc này, hồ hởi trước việc nhà báo Huy Đức bị chế độ bắt giữ, khởi tố hình sự, chẳng khác nào chúng ta hồ hởi trước quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí bị chế độ tước đoạt cả!

 

Thu Phương – thoibao.de