Tô quyết “đánh nhanh rút gọn”, liệu Tổng có cản được bước tiến của phe Chủ tịch nước?

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13 đã khai mạc, khi công tác nhân sự chưa hoàn thiện. Với những kỳ họp Quốc hội có liên quan đến vấn đề nhân sự, thông thường, phải được Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chốt trước ngày khai mạc.

Tuy nhiên, lần này lại là ngoại lệ, các kỳ họp của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng trước đó, không thể nào đạt được thỏa thuận về phân bổ nhân sự.

Càng đấu đá căng thẳng, các phe càng ngang ngửa nhau về thế và lực, thì việc đàm phán chốt nhân sự càng bế tắc. Trước đây, hầu hết vấn đề nhân sự đều theo ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cứ mỗi lần “lò” nổi lửa đốt “củi”, thì nhân sự thay thế cũng được phe lò chốt xong một cách chóng vánh. Đó là lý do, không có kỳ họp Quốc hội nào lại diễn ra trong tình cảnh Trung ương Đảng chưa chốt xong nhân sự như hiện nay.

Trong 8 năm qua, phe ông Tổng được xem là có sức mạnh vô đối. Chưa có một thế lực nào đủ sức để cân bằng quyền lực với phe Tổng Bí thư.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2024 đến nay, thì thời thế đã thay đổi, phe phản nghịch do Tô Lâm cầm đầu, với lực lượng nòng cốt là nhóm lợi ích chính trị gốc Hưng Yên, đã làm thay đổi cục diện. Phe ông Tổng mất đi một “thanh kiếm sắc”, đồng thời, phe phản nghịch nổi lên mạnh mẽ như cơn cuồng phong ập đến, cuốn phăng tất cả, cuốn luôn 3 đệ tử ruột của ông Tổng Bí thư.

Kỳ họp Quốc hội lần thứ 7 này, đã phải thay đổi chương trình nghị sự nhiều lần. Trước phiên khai mạc 1 ngày, ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội, thông báo, không xem xét miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an của ông Tô Lâm. Nhưng chỉ sau phiên khai mạc 1 ngày, chính ông Cường lại bất ngờ bổ sung vào chương trình, việc miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an. Rồi mới đây, ngày 3/6, báo Đại Đoàn Kết thông báo, Quốc hội sẽ bổ sung công tác nhân sự vào chương trình kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên, sau đó, thông tin này lại bị gỡ bỏ.

Việc chương trình nghị sự bị thay đổi liên tục như vậy, cho thấy, kỳ họp Quốc hội này diễn ra trong lúc các bên vẫn đang đấu đá. Khi đấu đá ngã ngũ, thì chuyển kết quả cho Quốc hội bổ sung vào chương trình. Có thể nói, chưa bao giờ, khi Quốc hội đang họp, mà các phe phái vẫn không tạm dừng việc đánh nhau như bây giờ.

Nếu thế lực của Tô Lâm không đủ lớn mạnh, thì đã không có chuyện vừa đánh vừa họp. Hiện nay, Tô Lâm muốn đánh nhanh thắng nhanh. Sau khi Tô Lâm bị Phạm Minh Chính “đánh úp”, tước bỏ chức Bộ trưởng Bộ Công an, vào ngày 22/5, thì Tô Lâm đã có hành động phản đòn. Ông cho triệu tập các giám đốc sở công an và các cục, tổng cục thuộc Bộ Công an về Hà Nội, làm một cuộc “đảo chính mềm”. Theo đó, Hội nghị của Đảng uỷ Công an Trung ương đã chọn Tướng Lương Tam Quang làm Bộ trưởng Công an, và ép Bộ Chính trị phải gật đầu.

Phe của Tổng Trọng hiện đang tìm mọi cách để ngăn cản Lương Tam Quang chính thức nhậm chức, hoặc chí ít cũng làm chậm lại quá trình, để đợi cơ hội khác, nhưng bất thành. Chiều 6/6, Quốc hội đã công bố kết quả bỏ phiếu, theo đó, ông Lương Tam Quang chính thức trở thành Bộ trưởng Bộ Công an.

Phe ông Tổng đã thất bại trong việc ngăn cản phe Tô Lâm. Còn mọi tính toán của Tô Lâm đều đã trở thành sự thật. Chính trường Việt Nam đang rất loạn, chưa bao giờ, Bộ Công an lại dám làm áp lực với Bộ Chính trị như bây giờ. Trước đây, Bộ Công an chỉ là công cụ của Bộ Chính trị, thì nay, Bộ Chính trị đang là “con tin” của Bộ Công an.

Chế độ thối nát đã đến lúc bục ra những ung nhọt của nó, và có lẽ, sắp đến ngày phải trả giá.

 

Trần Chương – Thoibao