Ngày 7/6, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của blogger Nguyễn Nhơn, với tựa đề “Thầy ở đâu rồi?”
Tác giả nhắc lại vụ việc, vào một buổi chiều, đoàn tu tập bị cắt đầu, khóa đuôi, khỏi toàn bộ các YouTuber, TikToker, và người dân, được dẫn vào một nơi nào đó không ai biết, chỉ thấy công an kéo rào chắn và canh gác chặt chẽ bên ngoài.
Sáng hôm sau, toàn bộ đoàn tu bốc hơi không dấu vết…
Tác giả cho biết, trên mạng, người dân liên tục hỏi nhau mọi thông tin có được về đoàn tu, và lo lắng cho sư Thích Minh Tuệ.
Tác giả dẫn thông tin từ nhiều nguồn cho thấy, một số thầy trong đoàn Thích Minh Tuệ vẫn tiếp tục bộ hành khất thực, quấn y, bưng bình bát, ngủ nghĩa trang theo hạnh đầu đà. Một số thầy đã trở về với gia đình và tiếp tục tìm kiếm, chờ đợi thông tin về sư Thích Minh Tuệ.
Tác giả cho hay, thay những lời ca ngợi các anh công an vất vả dẹp đường và canh gác cho đoàn tu ngủ yên trong đêm đầu đến Huế, bây giờ, khắp trên mạng lao nhao tiếng gọi “thầy ơi”, “thầy đâu rồi”… Không ai thấy thầy nữa, trừ 2 tấm ảnh phía công an đưa ra cho thấy, thầy đang lăn tay làm căn cước.
Theo tác giả, ngoài đời, rất nhiều nhóm đi tìm các thầy, và trợ giúp theo ý nguyện của họ.
Thái độ cảm kích đối với chính quyền mấy hôm trước, đã chuyển sang căm tức, phẫn nộ và khinh ghét.
Tác giả nhận xét, giống như giấc mơ đẹp đẽ bỗng bị tiếng trộm bẻ khóa gây bừng tỉnh, ước vọng bình yên của đông đảo người dân Việt Nam mấy tháng qua, chỉ trong một đêm đã bị giày đạp nát vụn.
Bởi khi thầy Minh Tuệ được biết đến, người dân đã truyền tai nhau “Phật tái thế, đời bình yên”.
Tác giả nhận định, thực hành Phật pháp trong cuộc sống của Minh Tuệ trong suốt đến khó tin. Nó đối lập một cách sáng chói với lối sống phè phỡn, lừa đảo, và hưởng thụ, của nhiều sư thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chính vì thế, khi Minh Tuệ lộ sáng, nhiều Phật tử mừng rỡ đến phát khóc: Niềm tin của họ vào đạo Phật đã được vực dậy và củng cố một cách uy nghi.
Tác giả bình luận, dưới mắt những nhà lý trí học, niềm tin ấy quá đỗi ngây thơ. Nhưng một niềm tin ngây thơ và trong sáng đến thế của dân chúng, thì có hại gì đến xã hội và chính quyền đâu? Được người dân tin chắc là thời thái bình đang đến, đó chẳng phải mục đích tối thượng mà các ông cần mẫn tuyên truyền suốt bao nhiêu năm qua hay sao?
Sự lộ sáng của Minh Tuệ bất ngờ và giản dị đến nỗi ngay các con mắt tinh tường của chính quyền ban đầu cũng chưa hề để ý, nói gì đến việc họ dự liệu được cơn hồng thủy sau này.
Vẫn theo tác giả, cách tu tập trong sáng của sư Minh Tuệ khiến Giáo hội Phật giáo không thích. Việc hàng chục ngàn người dân ùa ra quốc lộ nghênh đón sư, gần trăm người tự nguyện cạo đầu, đắp y, tham gia đi bộ cùng sư, khiến chính quyền không thích.
Nên, sự cố ngày 2/6 ở Huế buộc phải xảy ra, vì Thích Minh Tuệ không phải là người được chọn, không phải người được “cử” để “bầu”.
Tác giả cho rằng, có rất nhiều cách để chính quyền chấm dứt việc thần thánh hóa hay lợi dụng Minh Tuệ.
Nhưng chính quyền và Giáo hội, ban đầu thì phớt lờ, xem thường “một thằng ba trợn mặc áo rách ôm nồi cơm điện đi lang thang”. Khi “thằng ba trợn” đó tự nó tỏa rạng hào quang, các vị sốt tiết lên, ghen ghét, đánh công văn dìm hàng nó, cấm cửa nó, cấm cửa cả dân. Cấm mãi không được thì các cụ chơi trò đào rễ, cắt ngọn.
Tác giả đánh giá, thực tế cho thấy, các vị thất bại rồi. Phép trồng cây, càng tỉa rễ tỉa ngọn, thì cây càng đâm chồi mạnh mẽ. Những cái rễ của đạo đức trong sáng, những chiếc ngọn của lòng hướng thiện, đã bắt, đã trổ, và đang tỏa lan trong lòng người Việt Nam mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mạnh mẽ hơn trăm triệu lần những chiến dịch hô hào hiệu triệu học tập và làm theo của các vị.
Và buồn thay cho các vị. Qua sự kiện này, một lần nữa người dân lại được chứng minh: Các vị không cần và không hề muốn ngồi xuống với người dân, để tìm hiểu trái tim của họ.
Xuân Hưng – thoibao.de