Nếu căn cứ theo luật và thông lệ, thì Lương Tam Quang còn không thể đấu với Trần Quốc Tỏ ngay trong Bộ Công an, chứ không nói đến thắng 3 uỷ viên Bộ Chính trị, để lên nắm chức Bộ trưởng Bộ Công an.
Lương Tam Quang chỉ mới vào Trung ương Đảng năm 2021, trong khi đó, Trần Quốc Tỏ đã vào từ năm 2016. Trần Quốc Tỏ là Ủy viên Trung ương Đảng hơn 1 nhiệm kỳ, nên theo luật Đảng, ông Tỏ đủ điều kiện để vào Bộ Chính trị. Tuy nhiên, với việc Lương Tam Quang được chọn làm Bộ trưởng Bộ Công an, thì việc ông Quang được bầu vào Bộ Chính trị chỉ là vấn đề thời gian, cho dù Lương Tam Quang đã quá tuổi để vào Bộ Chính trị.
Lâu nay, Đảng cho phép Bộ Công an tự tung tự tác, lộng hành đối với người dân, để khiến dân phải sợ. Thì nay, với việc ưu ái quá mức, Tô Lâm đã quay sang áp dụng quy tắc “luật là tao, tao là luật” ngay trong Đảng. Việc đưa Lương Tam Quang lên ghế Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm xem như đã tạo ra luật chơi mới, “luật là tao” ngay trong Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.
Đảng kiên quyết bài trừ những đặc điểm thuộc về thế giới văn minh, như tính minh bạch, sự phân quyền trong quản lý nhà nước, bằng mô hình nhà nước tam quyền phân lập vv… Đảng chỉ nhìn thấy lợi ích cho Đảng nói chung, và lãnh đạo Đảng nói riêng, nên họ nói không với những cơ chế có thể giúp cho bộ máy chính quyền trở nên tốt đẹp hơn, sạch sẽ hơn.
Có minh bạch thì mới có cơ chế giám sát, và có phân quyền thì mới có thể chống lạm quyền, và giới hạn quyền lực. Ở chế độ Cộng sản, cả 2 thứ này đều không hề tồn tại. Và tất nhiên, vì lợi ích, Đảng đã che chắn cho các quan chức thi nhau bòn rút của công, bòn rút sức dân, để làm giàu.
Cũng chính vì điều kiện quá thuận lợi để làm chuyện phản dân hại nước, nên tất cả các quan chức trong đội ngũ của Đảng, đều dính phốt đen, đằng sau lớp mặt nạ quyền uy.
Được sự ưu ái của Đảng, Tô Lâm dần biến bộ máy điều tra khổng lồ của Công an, thành công cụ của riêng ông. Ông đã cho bộ máy này quay đầu, nhắm vào “đồng chí”, và từ đó tạo ra thế lực ngầm của Bộ Công an như ngày nay.
Khi sự minh bạch và sự phân quyền không tồn tại, Tô Lâm có cả một “kho báu” dữ liệu về hồ sơ đen của các “đồng chí”, và biến Bộ Công an thành một Bộ siêu quyền lực, kiểm soát và khống chế cả Bộ Chính trị. Việc thiết lập trật tự mới này, là khởi đầu cho thời kỳ vô pháp vô thiên ngay trong Đảng.
Trong thời gian sắp tới, rất có thể, phe Hưng Yên của Tô Lâm sẽ có đến 3 uỷ viên Bộ Chính trị. Đó là Tô Lâm, Nguyễn Duy Ngọc và Lương Tam Quang. Có thể, Lương Tam Quang sẽ vào Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 10 vào cuối năm, còn Nguyễn Duy Ngọc thì muộn hơn, nhưng muộn nhất thì cũng vào đầu năm 2026, khi diễn ra Đại hội 14.
Sau khi Vương Đình Huệ bị loại khỏi vũ đài chính trị, hiện nay, không còn địa phương nào có 3 uỷ viên Bộ Chính trị nữa. Chỉ có Hưng Yên là có khả năng sẽ có 3 uỷ viên Bộ Chính trị trong thời gian tới, chậm nhất là sau khoảng 20 tháng nữa, và cũng không loại trừ việc khả năng này diễn ra sớm hơn. Bởi Tô Lâm cần có vây cánh mạnh hơn, để thực hiện mưu đồ bá chủ của ông.
Khi phe Hưng Yên chỉ có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, mà Tô Lâm đã đủ sức để khống chế được Bộ Chính trị, thì với số uỷ viên tăng lên, Tô Lâm sẽ như hổ mọc thêm cánh. Khi thế lực càng trở nên hùng mạnh, thì phe Tô Lâm lại càng lôi kéo được nhiều người hơn. Vì những kẻ vốn phân vân không biết theo hay chống, sẽ ngả về Tô Lâm cho an toàn.
Chính trị là một cuộc chơi mà tất cả các bên đều đặt lợi ích lên hàng đầu. Khi Nguyễn Phú Trọng thất thế, thì quân tướng quanh ông sẽ quay lưng lại với ông. Lúc đó, Tô Lâm sẽ có cơ hội củng cố thêm quyền lực.
Hoàng Phúc – Thoibao.de