Ngày 7/6, sau hơn một tuần nhà báo Huy Đức bị khám xét tư gia và câu lưu, Bộ Công an mới chính thức thông báo, đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam nhà báo này, với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” , theo Khoản 2, Điều 331, Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, việc chính thức công bố bắt nhà báo Huy Đức, sẽ khởi đầu cho cuộc thanh trừng, hay ‘làm cỏ’ triệt để, của ông Tô Lâm và Bộ Công an, đối với phe Nghệ Tĩnh, một bệ đỡ cho quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng, trong hơn 10 năm làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo đó, có nhiều tín hiệu cho thấy, cuộc thanh trừng đối với phe Nghệ Tĩnh đã được Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ đạo cho Bộ Công an khởi động. Nồi “cá gỗ kho” với nhiều con cá mập của phe cánh này, sắp tới sẽ được tống vào “lò”, theo đúng tiêu chuẩn “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, do chính Tổng Trọng đặt ra.
Kể cả thông tin, Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã đề nghị thẩm tra các phát ngôn của Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang – một người được cho là có huyết thống với ông Hồ Chí Minh. Theo báo Giác Ngộ, nếu ông Thích Chân Quang có vi phạm, thì cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh. Những điều này liệu có liên quan gì đến thông tin từ giới thạo tin cung đình, khi cho rằng, “cặp Tô Lâm – Phạm Minh Chính hiện đang làm chủ cuộc chơi. Cán cân quyền lực đang nghiêng hẳn về họ”.
Mới đây, trong bài bình luận về chính trị Việt Nam, với tựa đề, “Không gian công cộng của Việt Nam đang bị thu hẹp”, tác giả David Brown đưa ra nhận xét:
“Năm 2015 được coi là một bước ngoặt. Đó là năm Nguyễn Phú Trọng đẩy lùi âm mưu của Thủ tướng hai nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng, định thay thế ông làm Tổng Bí thư. Khi bị thua trong cuộc bỏ phiếu quyết liệt ở Hội nghị Trung ương, ngay trước Đại hội 12 của Đảng, Dũng “được phép nghỉ hưu”. Từ đó, Trọng tự do thực hiện tầm nhìn của riêng mình, về việc thanh lọc những quan chức không tuân thủ chặt chẽ học thuyết Mác-Lênin, và đạo đức Xã hội Chủ nghĩa.”
Vẫn theo nhà phân tích David Brown:
“Có lẽ ngẫu nhiên, dạo gần đây Bộ Công an lại rất nổi tiếng. Tướng Tô Lâm, người đứng đầu Bộ này từ năm 2016, và là Thứ trưởng Thường trực dưới thời Thủ tướng Dũng trong 6 năm trước đó, đã được chọn làm tân Chủ tịch nước Việt Nam. Ông thay thế vị trí của một Uỷ viên Bộ Chính trị bị mất chức, được cho là do Tướng Lâm dàn dựng.”
Tổng Trọng đã phạm phải một sai lầm lớn, trong việc lợi dụng cái gọi là công cuộc “đốt lò”, để thanh trừng các đối thủ chính trị và phe nhóm chống đối. Đồng thời, ông Trọng cũng gây bè, kết cánh để duy trì quyền lực. Với 2 phe Nghệ An và Hà Tĩnh – lực lượng ủng hộ tuyệt đối cho Tổng Trọng, đã được ưu ái quá lớn trong sắp xếp nhân sự lãnh đạo, với số lượng uỷ viên Trung ương, uỷ viên Bộ Chính trị vượt trội so với các địa phương khác.
Cụ thể, “Khoá 13 có 200 uỷ viên Trung ương, Hà Tĩnh chiếm 12, Nghệ An chiếm 14. Bộ Chính trị có 18 thành viên, thì Nghệ Tĩnh được 4 trong đó, Nghệ An 3, Hà Tĩnh 1”. Nhưng ngược lại, khi họ vi phạm kỷ luật hay vi phạm pháp luật, thì gần như được bỏ qua, không bị xử lý.
Đáng lưu ý, một sự hết sức bất thường của phe Hà Tĩnh, từ một vùng đất vốn mang tiếng “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Vậy mà, chỉ sau khi nhà máy Formosa của Trung Quốc, núp bóng nhà đầu tư Đài loan, được đầu tư ở địa phương này, thế lực chính trị Hà Tĩnh lớn mạnh nhanh như Thánh Gióng. Nhiều ý kiến khẳng định rằng, phe cánh chính trị Hà Tĩnh đã hưởng lợi rất nhiều từ dự án này, để có tiền mua ghế lãnh đạo cấp cao.
Trong bài viết, “Biến động nhân sự cấp cao ở Trung ương”, của tác giả Nông Văn Tiềm, một cây bút thạo tin cung đình, đã tiết lộ:
“Nhưng từ khi các trận đấu đá, tranh giành quyền lực diễn ra, phe Nghệ Tĩnh bị đánh cho tan nát. Hiện “phe thắng cuộc” đang tập trung tài liệu, chứng cứ sai phạm để “bứng” Trần Hồng Hà ra khỏi cái ghế Phó Thủ tướng. Kinh hoàng hơn, nhiều hướng tấn công đang nhắm vào Trần Cẩm Tú – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Cả Hà và Tú đều là dân Hà Tĩnh.”
Vẫn theo tác giả Nông Văn Tiềm, phe thắng cuộc có một “kế hoạch tảo thanh”. Theo đó, “Lê Minh Khái là đệ tử ruột của Vương Đình Huệ, có thể sắp bị “cưa” ghế Phó Thủ tướng…”.
Cuộc chiến ở cung đình của Đảng đang từ từ đi vào hồi kết, nhà báo Bill Hayton nhận xét:
“Một đặc điểm nổi bật của tình trạng hỗn loạn gần đây trong nội bộ Đảng đặc biệt là chiến dịch chống tham nhũng, đó là những rạn nứt bên trong nội bộ ngày càng trở nên rõ ràng hơn./.
Trà My – Thoibao.de