Sư Thích Minh Tuệ đã làm cho Phật giáo Việt Nam “sống lại trong lòng của Phật tử năm châu”

Ngày 8/6, BBC Tiếng Việt bình luận “Sư Thích Minh Tuệ đến từ đâu, tại sao phải dừng?”

Theo đó, sư Thích Minh Tuệ với đầu trần, chân đất, đi bộ từ nam chí bắc, ôm lõi nồi cơm điện để khất thực, và nhặt vải vá lại thành áo, đã trở thành một hiện tượng xã hội nổi bật.

BBC dẫn tư liệu Phật giáo, cho hay, pháp hạnh đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh, để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não.

Trên con đường tu tập gian khổ, các vị hành giả đầu đà chấp nhận những thử thách khắc nghiệt về mặt vật chất, khước từ mọi tiện nghi.

Trong hàng đệ tử Phật, Tôn giả Ca Diếp đã trọn đời giữ hạnh đầu đà.

BBC dẫn nhận xét của tu sĩ Thích Đồng Long của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất:

“Bất cứ người nào hành trì theo những lời Phật dạy thì đều là người tu thật.”

“Đi ngược lại lời Phật thì đó là người giả tu, người không tu hành chân chính.”

BBC cũng dẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, viết:

“Tu sĩ Thích Minh Tuệ là một người giữ giới luật, tu theo hạnh đầu đà của Phật dạy, không nhà không cửa, không chùa viện, am thất, rày đây mai đó, ngày ăn một bữa, mặc y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây, nơi đất hoang, nghĩa địa… đúng phẩm hạnh một vị tu sĩ Phật giáo, mọi người ai cũng kính phục, noi theo, công nhận đúng là một tu sĩ Phật giáo, thì còn cần gì phải theo giáo hội này, tổ chức kia cho thêm phiền phức, buộc ràng?”

Theo BBC, hành trình tu tập của sư Thích Minh Tuệ đã tạo cảm hứng cho nhiều người, với bằng chứng rõ ràng là đông đảo người dân ra đường chào đón, muốn được diện kiến ông ở các tỉnh thành mà ông đi qua, hàng triệu người trong và ngoài nước theo dõi ông trên mạng.

Sư Thích Đồng Long nhận định:

“Trong lịch sử, kể từ thời Đức Phật hơn hai ngàn năm trăm năm trước đến nay, tôi nghĩ cũng có nhiều vị đã từng thực hành những hạnh như thế. Nhưng trong thời kỳ 4.0 này, thì trường hợp của thầy Minh Tuệ là rất hiếm.”

“Đây cũng là cơ hội tốt để người dân tự nhìn lại mình, trong một thời đại chuộng vật chất như bây giờ.”

BBC dẫn quan điểm của ông Bửu Nguyễn, nghiên cứu sinh ngành Phật học ứng dụng, tại Nan Tien Institute (Úc), cho rằng, cá nhân ông Minh Tuệ phần nào mang lại hy vọng cho nền Phật giáo Việt Nam đang suy thoái.

Vẫn theo BBC, trái ngược với những lời ca tụng và ủng hộ sư Thích Minh Tuệ, có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội, mặt trận báo chí Việt Nam, xuất hiện nhiều bài viết theo chiều hướng kêu gọi “cảnh giác”, cụ thể là những bài viết trên báo Công An Nhân Dân và báo Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam. Ngoài ra, một số người nổi tiếng trong ngành giải trí Việt Nam cũng tham gia vào cuộc tranh luận, trong đó có diễn viên Angela Phương Trinh.

BBC dẫn Ban Tôn giáo Chính, vào ngày 3/6, thời điểm mà sư Minh Tuệ “biến mất” tại Thừa Thiên Huế, cho biết:

“Ông Lê Anh Tú đã nhận rõ quyền và nghĩa vụ công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.”

Tuy nhiên, BBC đã nhận được nhiều thông tin cho biết, đoàn bị giải tán ngay trong đêm, khi đang nghỉ chân gần thành phố Huế, chứ không phải tự nguyện như thông báo của chính quyền.

Một số thông tin cho biết, ông đang ẩn tu tại Gia Lai, nhưng không có bằng chứng chắc chắn cho thấy điều đó.

BBC cho hay, nhiều người nhắc lại trường hợp nhà sư Minh Đăng Quang, người khai sơn hệ phái Khất sĩ Việt Nam. Nhà sư Minh Đăng Quang cũng đã đột ngột biến mất mãi mãi, vào một ngày đầu năm 1954, sau khi các hành trình của ông được đông đảo dân chúng quan tâm và hưởng ứng.

BBC cũng dẫn một số đánh giá nổi bật về sư Minh Tuệ, như:

Sư Thích Minh Đạo nói, hình ảnh nhà sư lặng lẽ đi hành đạo, đã làm cho Phật giáo Việt Nam “sống lại trong lòng của Phật tử năm châu”.

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ rằng, nhiều người dân cảm thấy vui mừng vì sư Minh Tuệ và lối tu của ông, là tín hiệu cho sự trở lại của đạo pháp chân chính, sẽ làm lu mờ những “pháp tu” mê mị dân chúng, chủ yếu để thu tiền cúng dường.

Sư Thích Đồng Long cho rằng, sư Minh Tuệ là người đầu tiên có sức ảnh hưởng lớn như vậy đối với quần chúng Phật tử tại Việt Nam.

Tuy nhiên, BBC cho biết, nhiều nhà sư tự tu như sư Thích Minh Tuệ, hoặc theo các tổ chức độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, thường xuyên bị chính quyền làm khó dễ, thậm chí đàn áp.

 

Hoàng Anh – thoibao.de