Nhiều tổ chức lên án việc bắt giữ nhà báo Huy Đức, yêu cầu trả tự do cho ông

Ngày 11/6, RFA Tiếng Việt loan “IFJ: nhà báo nổi tiếng Huy Đức bị bắt do những bài bình luận trên mạng xã hội”.

Theo đó, Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) trụ sở chính tại Bỉ, ngày 11/6 ra thông cáo, lên án việc Việt Nam bắt giữ nhà báo Huy Đức (ông Trương Huy San) và kêu gọi trả tự do ngay cho phóng viên nổi tiếng này.

RFA dẫn thông cáo của IFJ, nhắc lại công bố của cơ quan chức năng Việt Nam hôm ngày 7/6, về biện pháp bắt giữ nhà báo và nhà văn Huy Đức. Biện pháp này được tiến hành một tuần trước khi có công bố chính thức. Cáo buộc đối với ông là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, liên quan đến các bình luận mang tính phê phán của ông đăng trên mạng xã hội.

Theo RFA, trước khi “mất dạng”, ông Trương Huy San có đăng bình luận về tân Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, với chất vấn về vai trò của công an và lực lượng an ninh trong nền chính trị Việt Nam, và những diễn biến chính trị khác tại Việt Nam, mà ông Tô Lâm từng nắm giữ chức Bộ trưởng Công an suốt nhiều năm.

Đến ngày 3/6, trang Facebook cá nhân của nhà báo Huy Đức không thể truy cập được nữa.

Trước đó, ngày 8/6, RFA loan “Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức”.

Theo đó, Human Rights Watch (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền) có trụ sở tại New York, hôm 7/6 đã ra thông cáo với nội dung trên, ngay sau khi Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an Việt Nam chính thức khẳng định, đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Trương Huy San.

RFA dẫn lời bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói trong thông cáo:

“Với việc bắt giữ Huy Đức một cách sai trái, nhà cầm quyền Việt Nam đang nhắm vào một trong những nhà báo dũng cảm và nhiều ảnh hưởng nhất Việt Nam.”

Bà Patricia cho rằng: “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần lên án việc bắt giữ Huy Đức như một đòn đánh trực diện vào quyền tự do biểu đạt, và thúc đẩy để ông được trả tự do ngay lập tức.”

“Bắt giữ một nhà báo vì ông ta viết bài phê phán chỉ thể hiện rằng chính quyền Việt Nam đang càng ngày càng rời xa dân chủ và pháp quyền.”

“Trừng phạt Huy Đức vì ông phản đối lạm dụng quyền lực nhà nước và tham nhũng sẽ khiến những người mong đợi được chứng kiến các cải cách chính trị và kinh tế ở Việt Nam trong một tương lai gần phải quan ngại.”

Cũng ngày 7/6, 2 tổ chức là Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Bảo vệ Ký giả (CPJ), cũng đã ra thông cáo, kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay cho nhà báo Huy Đức, đồng thời hủy bỏ những cáo buộc đối với ông.

RFA dẫn phát biểu của Giám đốc Văn phòng châu Á – Thái bình dương của RSF, Cédric Alviani, nói rằng:

“Những bài viết của nhà báo độc lập Huy Đức là nguồn thông tin vô giá cho phép công chúng tiếp cận những tin tức bị chế độ Hà Nội kiểm duyệt. Chúng tôi kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam trả tự do ngay cho nhà báo này và khôi phục lại trang Facebook của ông ta.”

RFA cho biết, ông Trương Huy San là một cựu quân nhân, sinh năm 1962, ông từng cộng tác với nhiều tờ báo hàng đầu của Việt Nam, và có những bài viết vạch trần tình trạng lạm dụng quyền hành của quan chức; ông bị cho thôi việc năm 2009 do lời lẽ chỉ trích của ông.

Sau đó ông chuyên viết những bài về chính trị Việt Nam đăng trên blog và mạng xã hội như Facebook.

Hồi năm 2012, ông cho ra đời cuốn “Bên Thắng cuộc” trình bày lịch sử chính trị Việt Nam.

RFA cho biết thêm, Việt Nam xếp hạng 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, thuộc nhóm chót bảng về Chỉ số Tự do Báo chí năm 2024 của RSF; và cũng là một trong những nước tệ hại nhất thế giới về giam cầm nhà báo.

 

Thu Phương – thoibao.de