Ngày 12/6, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận “Ván bài tệ của Tô Lâm!”, của blogger Nam Việt.
Theo tác giả, đối với các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, cách lấy lòng dân nhanh nhất là tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc – kẻ thù trong tâm thức người Việt, bất chấp đó là trình diễn ngoại giao hay có thật. Lịch sử cầm quyền và mị dân từ 2 thập niên nay của các tay lãnh đạo Ba Đình, đã chứng minh điều đó.
Tác giả đề cập đến cách ứng xử với Trung Quốc của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã tạo nên một tư thế đặc biệt với ông.
Vào tháng 5/2014, ông Dũng đã công khai trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài:
“Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói.”
Tác giả bình luận, báo chí Việt Nam như mở hội, lòng người Việt như mở cờ.
Tác giả cũng nhắc lại cái liếc mắt lạnh lùng của cựu Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong một lần tiếp quan chức Trung Quốc, được dân Việt kháo nhau, chuyền tay nhau như một tín hiệu đáng tin cậy.
Lần này, vẫn theo tác giả, đứng trước làn sóng chỉ trích “tội phạm quốc tế, kẻ tàn bạo quốc gia”, ông Tô Lâm với vị trí Chủ tịch nước, đã chọn thủ pháp dân túy quen thuộc, khi tiếp Đại sứ Hùng Ba của Trung Quốc, hôm 11/6.
Tác giả dẫn tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, với tít “Việt Nam nói với Trung Quốc phải tôn trọng quyền và lợi ích hàng hải của nhau”. Đây được coi là cách nói ngang hàng, và được nhiều tờ báo quốc tế chú ý nhấn mạnh.
“Cả hai bên cần thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận cấp cao và nhận thức chung, kiểm soát và giải quyết tốt hơn những bất đồng trên biển, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau”, ông Lâm nói với Đại sứ Hùng Ba, trực tiếp đề cập đến yêu sách lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông.
Tác giả cũng nhắc đến việc, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 6/6 bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự hiện diện của tàu khảo sát Trung Quốc, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Chủ tịch Tô Lâm nói, 2 bên cần “tích cực tìm kiếm các giải pháp thỏa đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.
Tác giả nhận xét, đây là điều thú vị, vì hầu hết các ngôn ngữ thể hiện chủ quyền, lâu nay, giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam vẫn sử dụng những từ ngữ mềm dẻo, thậm chí là nhún nhường với Bắc Kinh.
Tác giả đặt câu hỏi: Tô Lâm muốn nói điều gì khi để những ngôn ngữ này lọt ra ngoài, trong cuộc gặp ra mắt ngoại giao ở chức vụ Chủ tịch nước, với Đại sứ Hùng Ba của Trung Quốc?
Rõ ràng, ông Lâm đang nhắm đến 2 yếu tố:
Một là, là bắn tiếng với Trung Quốc, rằng mình là một người có thực quyền, mặc dù sự lựa chọn của Trung Quốc trước đây dường như nghiêng về phía Vương Đình Huệ.
Hai là, ông muốn tạo một mối thiện cảm giả tưởng đối với dân Việt Nam, trong bối cảnh tình hữu nghị thuộc về ý Đảng, nhưng chưa bao giờ là lòng dân.
Tác giả nhắc lại thái độ cúi mặt nghe Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình răn dạy của ông Vương Đình Huệ, trong chuyến đi chầu Bắc Kinh để “cầu viện”, trước khi bị “phế truất”. Ông Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khi đó, đã cung cúc hô to rằng, Hà Nội sẽ kiên trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ.
Lần này, tác giả đánh giá, có vẻ không có ai bị mắc lừa trò “làm dáng” của ông Lâm, như kiểu mọi người từng bị lầm với tuyên bố của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”, từng làm cả nước mê đắm và bàn tán.
Tác giả nhận định, Lâm vẫn là Lâm, kẻ tráo trở và là tay sát thủ hạng một, trong lò sát sinh của Cộng sản Việt Nam lúc này. Và nếu người dân Việt Nam biết thêm rằng, sau khi nói những điều cứng rắn với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Lâm đã cười hề hề và nhắc với phận con dân: Năm sau, kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, 2 bên cần phải nâng quan hệ lên tầm cao mới!
Quang Minh – thoibao.de