Ngày 13/6, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của blogger Trần Hiếu Chân, với tựa đề “Huy Đức và Trần Đình Triển: Những tiếng thét không thể câm lặng!”
Tác giả đánh giá, “sự bốc hơi” hôm 1/6 của nhà báo Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển, là cuộc bắt cóc giữa ban ngày. Đây cũng không phải là vụ bắt cóc đầu tiên đối với công dân Việt Nam.
Lần này bắt Huy Đức và Trần Đình Triển, Đại tướng Tô Lâm muốn cảnh báo các tiếng nói phản biện, phải câm lặng thời ông “lên ngôi”.
Tác giả cho biết, sau khi báo chí Nhà nước được phép loan tin theo công thức quy định sẵn từ Bộ Công an, về 2 vụ bắt giữ kể trên, dư luận lại phân mảnh thành các luồng đối nghịch nhau, về nguyên nhân vụ bắt cóc.
Một bộ phận KOLs hả hê việc Huy Đức và Trần Đình Triển bị công an bắt khẩn cấp. Theo Blogger Đoàn Bảo Châu, thành phần này gồm những kẻ thô bỉ và “tiết kiệm não”, tâm địa hẹp hòi, đội lốt dân chủ giả tạo, chỉ “khoát nước theo mưa”, “gió chiều nào che chiều đấy”.
Tuy nhiên, đa phần các KOLs lại có nhận định rất khác. Phần lớn các bài viết từ những cây bút này, là sự ngưỡng mộ, ngợi ca và đánh giá cao, cả nhà báo đã thành danh Huy Đức, lẫn luật sư của người nghèo Trần Đình Triển.
Theo tác giả, thật khó có thể tóm tắt hết các ý kiến đánh giá tích cực về Huy Đức và Trần Đình Triển. Theo Facebooker Thông Cào, một trong những bài có thể nói “hay không thể tả”, là từ một phụ nữ, cô giáo Nguyễn Thị Tịnh Thy, viết về Huy Đức. Và Thông Cào tự xỉ vả, đám đàn ông nên cảm thấy xấu hổ trước cô Thy. Rõ ràng, với việc bắt Huy Đức và Trần Đình Triển, Tô Đại tướng đừng hòng ép những tiếng thét phản biện câm lặng vĩnh viễn!
Chắc chắn, số đông sẽ chia sẻ cùng cô Thy, “Bên Thắng Cuộc” là bộ sách về lịch sử Việt Nam sau 1975, do một cá nhân thực hiện, với nhiều thông tin chân thật, thái độ khách quan và công bằng nhất. Đây là bộ sách đầu tiên không thuộc quan sử mà thuộc tư sử (cá nhân tự viết), dựng lên một diện mạo đất nước từ năm 1975 đến cuối thập niên 1990, với tất cả những điều được – mất, bằng quan điểm viết sử kinh điển từ ngàn xưa – chép sử chứ không phải “sáng tác” sử, không tô hồng hay bôi đen hiện thực, không bị chi phối bởi uy vũ và danh lợi.
Vẫn theo tác giả, sau “tiếng còi” của Ban Tuyên giáo vốn đã bị an ninh hóa, tất cả truyền thông “lề phải”, đều đưa cùng một nội dung y chang: “Ngày 7/6, Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Trương Huy San (hay còn gọi là Osin Huy Đức); Huy Đức bị điều tra về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”
Tác giả chỉ ra 2 nghịch lý: Thứ nhất, ở Việt Nam làm gì có “tự do”, “dân chủ” mà lợi dụng? Thứ hai, cả Huy Đức lẫn Trần Đình Triển đều thuộc diện “Người Cao Tuổi”, lại cùng bị bắt cóc ngay trong “Ngày Quốc tế Thiếu nhi Việt Nam” – 1/6.
Tác giả bình luận, thật quá trớ trêu! Kiếp nạn đổ lên vai 2 nhà hoạt động nói trên, đại diện cho các nhân sĩ trí thức yêu nước già dặn, cao niên, chỉ lên tiếng vì những gì tốt đẹp, mà một kỷ nguyên mới đang vẫy gọi! Một xã hội khi không còn các nhân sỹ trí thức yêu nước lên tiếng phản biện, thì xã hội ấy liệu có chết lâm sàng?
Đúng như cô giáo Thy khẳng định, ba chữ “Bên Thắng Cuộc” là bản quyền của Huy Đức. Bất kỳ ai, để lại cho đời một định danh, một thuật ngữ, thành ngữ, điển cố… như thế, là đủ để xác định được tên tuổi của mình với thiên hạ.
Tác giả dẫn một số đánh giá từ những học giả tên tuổi trên thế giới về bộ sách Bên Thắng Cuộc, như Giáo sư Shawn McHale, Đại học George Washington: “Sự ấn hành tác phẩm ấy là sự kiện lớn”.
Giáo sư Hồ Tài Huệ Tâm từ Đại học Harvard: “không ai viết về Việt Nam sau 1975 lại có thể bỏ qua những thông tin trong cuốn sách”.
Tiến sĩ Kinh tế Lê Sỹ Long, Đại học Houston, cho rằng, cuốn sách có “tính khả tín và độ tin cậy, dựa vào các sự kiện lịch sử có sẵn, các phóng sự, hồi ức và các cuộc phỏng vấn…”
Tác giả cho rằng, nói như cô giáo Thy, đôi khi án phạt lại là xác tín, là vòng nguyệt quế cho nhân cách của một con người. Những người yêu lẫn ghét, đều không làm được như các anh. Trong ván cờ người, ván cờ đời, ván cờ đạo nghĩa, Huy Đức và Trần Đình Triển rõ ràng đã là “Bên Thắng Cuộc”.
Hoàng Anh – thoibao.de