Việt Nam lên tiếng cho Cuba là có sự tính toán về thời điểm

Ngày 13/6, VOA Tiếng Việt bình luận “Vì sao Việt Nam liên tục lên tiếng kêu gọi Mỹ gỡ bỏ cấm vận đối với Cuba?”

VOA dẫn tuyên bố do Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Cuba, ông Vũ Hải Hà ký, và được Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam đăng hôm 10/6, kêu gọi cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba, “trên cơ sở bình đẳng, có đi có lại, tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia và thể chế chính trị của mỗi bên”.

Tuyên bố cũng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp tích cực vào quá trình đối thoại, xây dựng lòng tin giữa Hoa Kỳ và Cuba, nhằm cải thiện quan hệ 2 nước.

VOA cho biết, tuyên bố của nhóm nghị sĩ được đưa ra vài ngày, sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn với Cuba. Theo đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng lên tiếng ngày 6/6.

Trước đó, vào tháng 11/2023, trong cuộc họp tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, cũng lên tiếng phản đối lệnh cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính đối với Cuba, và cho rằng, các biện pháp này vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại các tôn chỉ, nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

VOA dẫn ý kiến của Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Hòa bình Mỹ (USIP), cho rằng, việc Việt Nam liên tục lên tiếng về vấn đề của Cuba, là không có gì đáng ngạc nhiên, vì Việt Nam và Cuba vốn có quan hệ hữu nghị lâu năm, “phù hợp với chính sách đối ngoại đa hướng của Việt Nam và sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến quan hệ Mỹ – Việt”.

VOA cũng dẫn nhận định của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu khách mời của một Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, thì việc lên tiếng này là có một sự tính toán chiến lược về thời điểm.

“Khi đảng Dân chủ đang cầm quyền ở Mỹ thì có điều kiện tốt hơn để bình thường hóa quan hệ với Cuba và giải cấm vận.”

Ông Hợp dẫn chứng từ thực tế, trong quá khứ, Tổng thống Obama trước khi rời nhiệm sở, đã cho tái lập quan hệ ngoại giao Mỹ – Cuba ở cấp đại sứ và có một số bước chuẩn bị để bỏ cấm vận. Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump lên cầm quyền, mối quan hệ mới được tái lập này đã bị hủy bỏ, và thậm chí, Cuba còn bị Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới.

“Việt Nam rất hy vọng rằng, ông Joe Biden trước bầu cử sẽ thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ, giữa Mỹ và Cuba, còn chuyện để bỏ được cấm vận thì còn phải thong thả, nhưng tiền đề là tái lập lại mối quan hệ ngoại giao cấp đại sứ”, Tiến sĩ Hợp nói.

Theo VOA, thực tế khác biệt giữa 2 quốc gia Cộng sản trong quan hệ với Mỹ, đã được nhiều nhà nghiên cứu phân tích.

VOA dẫn nhà nghiên cứu Frederick Z. Brown, một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho rằng, dù hiểu “Chủ nghĩa Mác đã bị phá sản, và tương lai kinh tế của quốc gia, nằm ở những thay đổi sâu sắc theo định hướng thị trường… Nhưng làm thế nào để vừa thực hiện được điều đó, vừa không mất đi sự kiểm soát về chính trị, là một vấn đề nan giải.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì cho rằng:

“Về chính trị, ở Cuba họ chấp nhận biểu tình, chấp nhận những tiếng nói phản biện… Họ chấp nhận để cho những tổ chức xã hội là mầm mống rõ ràng của các tổ chức xã hội dân sự bắt đầu xuất hiện, và hoạt động khá tích cực ở Cuba. Những điều vừa nói, nó thể hiện chính quyền ở Cuba cởi mở hơn chính quyền ở Việt Nam bây giờ.”

Nhưng sở dĩ Cuba vẫn phải chống chọi với nền kinh tế lạc hậu, yếu kém, và chưa hoà nhập với thương mại toàn cầu, vì quá trình “đổi mới” về kinh tế của quốc gia này quá chậm chạp, và không tương xứng so với những đổi mới về chính trị, vẫn theo Tiến sĩ Hợp.

“Quan hệ giữa Việt Nam – Cuba giờ không còn là quan hệ giữa 2 đảng nữa, thực ra, quan hệ giữa 2 đảng bây giờ rất yếu, vì đảng (Cộng sản) Cuba thay đổi nhiều lắm. Mặc dù bên đó họ vẫn giữ một đảng (cầm quyền) nhưng thay đổi rất nhiều, chỉ có chính quyền ở Cuba chưa có những đổi mới về kinh tế nên người dân Cuba vẫn rất nghèo”.

 

Xuân Hưng – thoibao.de