Trung Quốc đã hàn gắn mối bất hòa và chấm dứt cuộc chiến của lãnh đạo Việt Nam như thế nào?

Sau khi chính thức nhậm chức Chủ tịch nước, Đại tướng Tô Lâm, cựu Bộ trưởng Bộ Công an, đã xúc tiến hàng loạt các hoạt động, không chỉ dừng lại ở vai trò nguyên thủ quốc gia theo Hiến định. Theo giới quan sát, một loạt các hoạt động của ông, là công việc trên tư cách của người đứng đầu Đảng và nhà nước Việt Nam.

Truyền thông nhà nước đưa tin, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp mặt đoàn đại biểu lãnh đạo, chức sắc, các tổ chức tôn giáo; làm việc với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; tiếp Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba; tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc Evans Knapper v.v…

Mới nhất, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Tòa án Nhân dân Tối cao. Theo truyền thông nhà nước đưa tin, trong cuộc gặp với Toà án Nhân dân Tối cao ngày 14/6 tại Hà Nội, Chủ tịch Tô Lâm đã đưa ra chỉ thị:

“Phải tập trung nâng cao chất lượng xét xử, tuyệt đối không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế, tiến tới không để xảy ra các bản án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan.”

Đồng thời ông cũng yêu cầu:

“Phải tập trung xây dựng nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp, pháp quyền, góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.”

Theo giới quan sát, đây là tín hiệu đáng lạc quan, về việc Việt Nam sẽ tiến tới một nhà nước pháp quyền hoàn chỉnh, dẫu rằng, trước mắt vẫn còn mang cái đuôi Xã hội Chủ nghĩa.

Vấn đề quan trọng là, trên cương vị đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Tô Lâm có hành động như tuyên bố hay không? Đồng thời, công luận cũng đặt câu hỏi, tại sao, cách đây ít lâu, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm không có những phát biểu tương tự, mà phải đợi đến lúc này?

Với phát biểu của Chủ tịch Tô Lâm kể trên, trên mạng xã hội đã có nhiều ý kiến lạc quan, và tin tưởng rằng, một số trường hợp tử tù đã kêu oan trong nhiều năm, được công luận trong và ngoài nước quan tâm, là Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, và cả Lê Văn Mạnh đã bị thi hành án, sẽ được minh oan.

Theo giới quan sát, song song với những hoạt động và phát biểu mang tính “hòa giải” của Chủ tịch nước Tô Lâm, có những hoạt động và phát biểu của Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư, tại buổi làm việc với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ngày 14/6.

Thường trực Ban Bí thư đã đưa ra yêu cầu, xử lý kịp thời các tổ chức Đảng và đảng viên có vi phạm, trong các vụ việc, vụ án, thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi; đặc biệt xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến vi phạm của Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, và các vụ việc mới phát sinh.

Đáng chú ý, tân Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, việc xử lý những cán bộ có liên quan đến các vi phạm trên phải kịp thời, trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng cũng phải dựa trên trên tinh thần nhân văn – “trị bệnh để cứu người”.

Công luận và giới phân tích đặt câu hỏi, phải chăng, giữa các cá nhân và phe phái trong nội bộ Đảng, đã tỏ ra “hòa hoãn”. Gần đây, ít xảy ra chuyện chém giết nhau không thương tiếc, như đã từng xảy ra trước đây không lâu, trong sự “nổi loạn” của Tô Lâm.

Điều đó có liên quan gì đến nhận định của giới phân tích, khi cho rằng:

“Có thể, Trung Quốc dàn xếp để các phe cánh trong Đảng bắt tay nhau, thống nhất đưa Chủ tịch Tô Lâm lên cương vị lãnh đạo tối cao – theo chủ trương nhất thể hóa 2 chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Đổi lại, các phe cánh trong Đảng phải hưu chiến, trở lại đoàn kết, với điều kiện không được trả thù lẫn nhau, để các bên trong Đảng cùng thắng.”

Nếu đúng như vậy, thì lãnh đạo Việt Nam, kể cả phe “thắng cuộc” hay bên “thua cuộc”, đều phải vô cùng biết ơn Chủ tịch Tập Cận Bình và Ban lãnh đạo Bắc Kinh. Bởi họ đã giúp hóa giải, và chấm dứt một cuộc xung đột chưa từng thấy trong lịch sử 94 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng thời, các cuộc tắm máu theo đồn đoán, giữa phe Hưng Yên và phe Nghệ Tĩnh cũng sẽ không xảy ra. Kể cả, các dự báo về sự liên minh giữa phe Thanh Hóa của Thủ tướng Phạm Minh Chính với phe Nghệ Tĩnh, có sự phối hợp của giới tướng lĩnh Bộ Quốc phòng, để chống lại Tô Đại tướng, cũng sẽ chấm dứt.

Với công lao trời biển của Đảng Cộng sản Trung Quốc như vừa kể, việc tập thể Ban lãnh đạo Đảng đàn em – Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức cuộc vận động “Sống, chiến đấu, học tập theo gương Chủ tịch … Tập Cận Bình vĩ đại!”, có lẽ là điều không cần phải bản cãi.

Đúng là, “Bác Tập nào ở đâu xa. Bác Lâm ta đó chính là bác … Tập”./.

 

Trà My – Thoibao.de