Ngày 16/6, RFA Tiếng Việt bình luận “Cách “xử lý” trường hợp ông Thích Minh Tuệ: Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ gì?”
RFA cho biết, hôm 11/6, Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ Michelle Steel đã gửi thư kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken đưa Việt Nam vào danh sách các “Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt” về tự do tôn giáo, trong đó, đã nêu trường hợp khất sĩ Thích Minh Tuệ “biến mất” trong đêm 3/6.
RFA dẫn lời bà Dân biểu Hoa Kỳ Michelle Steel, nhấn mạnh rằng:
“Tự do tín ngưỡng là một quyền cơ bản của con người, và Đảng Cộng sản Việt Nam đang học theo các chiến thuật đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bằng việc đàn áp lạnh lùng các thực hành tôn giáo.”
“Cách đối xử đối với ông Thích Minh Tuệ và những người đi theo ông là sai trái, và không thể bào chữa. Chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho điều đó.”
Theo RFA, trong thư gửi Ngoại trưởng Blinken hôm 11/6, bà Dân biểu Michelle Steel nhấn mạnh rằng:
“Nước Mỹ có nghĩa vụ đạo đức phải đứng lên bảo vệ quyền tự do tôn giáo trên toàn thế giới, và Bộ trưởng Blinken nên huy động toàn bộ quyền lực của Bộ Ngoại giao để đấu tranh chống đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.”
RFA cho hay, ở Mỹ, Ủy hội Hoa kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế là cơ quan tư vấn cho Ngoại trưởng, Quốc hội, Tổng thống Hoa Kỳ, về chính sách đối ngoại liên quan đến tự do tôn giáo quốc tế.
Đồng thời, RFA cũng cho hay, ở Mỹ, BPSOS là một chức phi chính phủ, thường xuyên tiến hành các nghiên cứu, và thông tin cho Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, về tình hình tự do tôn giáo ở châu Á nói chung, và Việt Nam nói riêng.
RFA dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc của BPSOS, cho biết, BPSOS vừa hoàn tất một nghiên cứu, gửi cho Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ngay trước khi vụ ông Thích Minh Tuệ xảy ra.
Nghiên cứu này nhấn mạnh vào một nhân vật, là ông Thích Đức Thiện – người được đưa sang Mỹ vào tháng 10/2023, để vận động Mỹ đưa Việt Nam khỏi Danh sách Các Quốc gia cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo.
Tiến sĩ Thắng cho biết, chính ông Thích Đức Thiện cũng là người đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ký văn bản nói ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo. Ông Thắng nói tiếp:
“Tôi đã đưa văn bản đó của ông Thích Đức Thiện cho các cơ quan Mỹ mà ông này từng gặp. Ông ta là người vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách ngang nhiên nhất.”
RFA tiếp tục dẫn lời Dân biểu Michelle Steel, khẳng định, nếu Việt Nam bị liệt vào danh sách Quốc gia Cần Quan ngại Đặc biệt, điều đó “sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, những người vi phạm quyền tự do tôn giáo sẽ bị truy tố và phải chịu trách nhiệm”. Và điều đó “sẽ cô lập Chính phủ Việt Nam trên trường quốc tế, và gia tăng áp lực buộc họ phải chấm dứt đàn áp tôn giáo.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng phân tích, triển vọng đưa Việt Nam vào danh sách các Quốc gia cần Quan ngại Đặc biệt về tự do tôn giáo rất thấp, trừ khi xảy ra một cuộc đàn áp đẫm máu, như từng xảy ra ở Tây Tạng.
Nhưng nếu Việt Nam muốn Mỹ rút tên ra khỏi danh sách “Các nước Cần Theo dõi Đặc biệt” thì rất khó, vì những bước đi sai lầm của Việt Nam. Cho nên, đến cuối năm nay, thì khả năng là Việt Nam vẫn nằm trong danh sách này.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Thắng, luật pháp Hoa Kỳ còn những điều luật khác, dễ dàng đưa đến chế tài quan chức nước ngoài đàn áp tôn giáo ở xứ sở của họ. Những chế tài này không chỉ nhắm vào bản thân quan chức, mà cả thân nhân của họ.
Tiến sĩ Thắng cho biết:
“Chắc chắn là nội trong một tuần tới, sẽ có một công văn rất dài từ Liên Hiệp Quốc, của các báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc, về lĩnh vực tự do tôn giáo và niềm tin, về lĩnh nhân quyền, sẽ được gửi đến Chính phủ Việt Nam.”
Tiến sĩ Thắng cho rằng, nếu muốn chứng tỏ bảo vệ quyền tự do tôn giáo, chính quyền Việt Nam chỉ cần thực thi đúng chức trách, như: “dẹp đường, phải giữ trật tự, bảo vệ cho mọi người đi, nhắc nhở người dân coi chừng dịch bệnh, không gây rối trật tự, không cản trở bước đi của các thầy”.
Theo bà Dân biểu Michelle Steel, Việt Nam “cần đưa ra câu trả lời rõ ràng về những gì đã xảy ra và Thích Minh Tuệ hiện ở đâu”.
Bà Michelle Steel cũng cảnh báo rằng “Nếu quan chức Việt Nam tiếp tục quản chế và phân biệt đối xử các cá nhân theo đuổi tín ngưỡng tôn giáo, thì họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả quốc tế nghiêm trọng.”
Xuân Hưng – thoibao.de