Ngày 19/6, Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Theo đó, ông Đinh Tiến Dũng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội, bị cho thôi giữ các chức vụ trong Đảng.
Được biết, ông Dũng bị quy kết đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, quy chế làm việc; không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Tài chính và một số tổ chức Đảng, đảng viên, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ông phải chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính, nhiệm kỳ 2016 – 2021, và là người đứng đầu Bộ Tài chính trong nhiệm kỳ này.
Như những người đã ngã ngựa trước đó, ông Dũng bị quy “trách nhiệm người đứng đầu”, và bị loại khỏi vũ đài chính trị. Điều đáng nói là, chính ông Nguyễn Phú Trọng – người đứng đầu Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13, đã để lọt sổ ông Dũng – người đã vi phạm Đảng luật ở nhiệm kỳ trước đó, tiếp tục vào Bộ Chính trị, và để ông điều hành một thành phố lớn như Hà Nội.
Năm 2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương từng đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật ông Đinh Tiến Dũng, nhưng không hiểu sao, Bộ Chính trị lại để chìm xuồng. Đến nay, Bộ Chính trị lại xới lên hồ sơ cũ, để hạ bệ ông Dũng.
Có thể thấy, năm 2021, khi thế lực của ông Trọng còn mạnh, thì ông Dũng được tha. Đến bây giờ, khi thế lực ông Trọng suy yếu, và thế và lực của Tô Lâm đang lên, thì ông Đinh Tiến Dũng bị đưa lên thớt, và triệt thẳng tay. Trong việc này, khả năng cao là có bàn tay lông lá của ông Tô Lâm can thiệp.
Trước khi ông Đinh Tiến Dũng bị đánh rụng, đã có 6 uỷ viên Bộ Chính trị bị rụng. Đấy là các ông/bà Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai. Đặc biệt, 3 người ngã ngựa gần nhất, là ông Thưởng, ông Huệ, và bà Mai, được xác định là do Tô Lâm ra tay.
Ban đầu, Bộ Chính trị có 18 người, nay đã rụng 7 người, và được bổ sung 4 người. Như vậy, so với ban đầu, Bộ Chính trị vẫn còn đang hụt đến 3 người. Phe Tô Lâm đang cần bổ sung ít nhất 2 suất uỷ viên Bộ Chính trị nữa, để củng cố quyền lực – một dành cho Lương Tam Quang và một dành cho Trần Lưu Quang. Chỉ khi, Bộ Chính trị trở nên thiếu hụt, thì ông Tô Lâm mới có lý do để đề cử người của phe ông.
Hiện nay, Tô Lâm đang làm chủ cuộc chơi trên bàn cờ chính trị. Trước khi nắm được ghế Tổng Bí thư, Tô Lâm sẽ còn phải củng cố lực lượng, để tăng cường sức mạnh cho ông và phe của ông. Khi phe Tô Lâm càng nhiều uỷ viên Bộ Chính trị, thì Tô Lâm càng dễ kiểm soát tổ chức này, cũng như Trung ương Đảng. Dù đang chiếm thế thượng phong, nhưng trong Bộ Chính trị, Tô Lâm vẫn đơn độc. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này dài hạn, thì trước sau gì, Tô Lâm cũng đuối sức.
Cho tới thời điểm này, cả phe Nghệ An và phe Hà Tĩnh, mỗi phe đều có 2 ủy viên Bộ Chính trị, ấy là chưa kể đến hàng chục uỷ viên Trung ương Đảng. Nếu để 2 phe này kết hợp, thì Tô Lâm cũng không dễ dàng đối phó, hoặc dù có đối phó được thì cũng tiêu hao sinh lực. Đó là khó khăn lớn đang chờ đón Tô Lâm.
Những dấu hiệu gần đây cho thấy, Tô Lâm đang muốn tảo thanh 2 thế lực mạnh nói trên trong Bộ Chính trị. Làm được điều này, vừa triệt đi sức mạnh của 2 nhóm mạnh nhất, vừa có chỗ trống để chèn người cùng phe vào Bộ Chính trị. Đấy là cách Tô Lâm đang tiến hành, để thâu tóm quyền lực vào tay.
Thời gian tới, khả năng còn nhiều uỷ viên Bộ Chính trị nữa sẽ rơi rụng. Những trận chiến sinh tử giữa các thế lực vẫn còn tiếp diễn, ít nhất là đến tháng 1/2026 – thời điểm dự kiến diễn ra Đại hội 14.
Thái Hà – Thoibao.de