Ngày 21/6, RFA Tiếng Việt cho hay “Chuyên gia: chuyến thăm của Putin không làm xấu đi mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ”.
RFA đề cập đến chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam, với lịch trình dày đặc của ông Putin, Tuyên bố chung, và ký kết 11 văn kiện hợp tác.
RFA dẫn nhận định của Thạc sỹ Hoàng Việt, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, từ Sài Gòn, cho rằng, những văn kiện mà 2 bên đã ký kết chỉ nêu chung chung các lĩnh vực sẽ hợp tác trong tương lai, chứ không nêu cụ thể cách thức tăng cường hợp tác. Ông nhận xét:
“Trong Tuyên bố chung thì thấy là, một mặt, Việt Nam ủng hộ Nga, nhưng mặt khác, cũng nêu cao những vấn đề mà Việt Nam đã thống nhất từ trước đến nay. Trong đó nêu cao vai trò của Liên Hiệp Quốc, của luật pháp quốc tế, và vai trò của công ước Luật Biển… thì đó cũng là những cái đáng ghi nhận.”
RFA cũng dẫn đánh giá của nhà hoạt động chính trị Nguyễn Tiến Trung, từ nước Đức, cho rằng, các tuyên bố giữa Việt Nam và Nga có phần mang tính tuyên truyền, lừa dối lẫn nhau.
“Trước việc Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Cộng để duy trì nền kinh tế và cuộc xâm lược phi pháp ở Ukraine, tôi tin là chế độ Putin lên tiếng về biển Đông chỉ là chót lưỡi đầu môi.”
“Tôi tin rằng chế độ Putin sẽ giúp Đảng Cộng sản Việt Nam các công nghệ tin học để theo dõi giới bất đồng chính kiến, làm tường lửa, tung tin giả để người dân Việt Nam mất niềm tin vào chế độ dân chủ,… như Putin đang làm với người dân Nga” – ông Trung nói.
Theo ông Hoàng Việt, dù Việt Nam rất muốn tăng cường hợp tác với Nga nhiều hơn, tuy nhiên, Việt Nam lại không muốn bị trừng phạt bởi các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây dành cho Nga.
Ông Việt giải thích:
“Đây cũng là thế khó của Việt Nam. Không chỉ đơn giản là chuyện muốn đi thăm hoặc không đi thăm, mà Việt Nam còn rất nhiều thứ phải phụ thuộc vào Nga.
Đơn giản nhất là toàn bộ hệ thống thống vũ khí của Việt Nam, gần như là mua của Nga, trước đây là 80% và bây giờ là trên 60%.”
Vụ tranh chấp pháp lý giữa Power Machines và PVN, trong đó, phía Nga đòi bồi thường 500 triệu USD, nảy sinh khi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, là ví dụ điển hình được Ông Hoàng Việt dẫn ra.
ông Việt nhận định, “Nga muốn bán năng lượng” và Việt Nam cũng muốn “tranh thủ mua được nguồn năng lượng với giá rẻ” nhưng khó thực hiện, bởi bị lệnh cấm vận tác động.
Theo ông Tiến Trung, về vấn đề năng lượng, trong ngắn hạn, Nga sẽ không vì sức ép từ Trung Cộng mà từ bỏ các liên doanh dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông.
“Tuy nhiên, về trung hạn và dài hạn thì câu chuyện sẽ rất khác, vì Nga đang dần trở thành chư hầu của Trung Cộng, phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Cộng để phá vỡ thế cấm vận của phương Tây.”
Mặt khác, dù Mỹ lên tiếng khá gay gắt về chuyến thăm của ông Putin, nhưng theo ông Hoàng Việt, quan hệ Việt – Mỹ hay với các nước phương Tây sẽ không bị ảnh hưởng bởi chuyến thăm này:
“Chắc chắn là, Mỹ sẽ lên tiếng để thể hiện rằng thái độ của Mỹ đối với chuyến thăm này của Putin, nhưng mà chuyện này có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ hay không thì tôi nghĩ là không.
Bởi vì mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã từng trắc trở hơn rất nhiều qua bao nhiêu năm mới phát triển lên được tới ngày hôm nay và chắc chắn là Mỹ cũng hiểu được cái thế khó của Việt Nam.”
“Đối với Liên minh Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên, thì Việt Nam hoàn toàn không thể tham gia. Đây là điều chắc chắn. Bởi vì Việt Nam đã chọn chính sách không liên minh và liên kết với một bên nào.”
“Đương nhiên phía phương Tây sẽ cảm thấy không hài lòng, nhưng mà tôi chắc chắn là phía Việt Nam cũng sẽ cố gắng để giải thích” – ông Hoàng Việt nhấn mạnh.
Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung thì cho rằng:
“Đảng Cộng sản không thể “bắt cá hai tay” mãi khi xung đột giữa khối độc tài và khối dân chủ trên thế giới ngày càng dữ dội.”
“Tôi tin rằng, một khi có lựa chọn chiến lược tốt hơn Việt Nam trong vấn đề chống sự bành trướng của Trung Cộng trên biển Đông và nguồn cung đất hiếm, thì Mỹ, các nước châu Âu, và phương Tây, sẽ bỏ qua Việt Nam.”
Thu Phương – thoibao.de