Ngày 23/6, RFA Tiếng Việt loan tin “Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh lòng tin cao nhất trong quan hệ Mỹ – Việt”.
RFA dẫn lời khẳng định của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink, hôm 22/6, nói với báo giới tại họp báo ở Hà Nội rằng, lòng tin trong quan hệ Việt Nam và Mỹ cao nhất từ trước tới nay, đồng thời bác bỏ chuyến thăm của ông có liên quan tới chuyến thăm ngay trước đó của Tổng thống Nga Putin.
RFA cho biết, vị cựu Đại sứ Mỹ ở Việt Nam tới Hà Nội vào ngày 21/6, ngay sau chuyến thăm từ ngày 19 – 20/6 của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Hà Nội. Chuyến thăm của ông Putin đã bị Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội chỉ trích.
RFA nhắc lại, một hãng tin quốc tế nổi tiếng đã dẫn lời người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ cho biết:
“Không quốc gia nào nên tạo cho Putin một diễn đàn, để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta, và mặt khác, cho phép ông ta bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình”.
Ông Putin đã bị Toà Hình sự Quốc tế ICC phát lệnh bắt giữ, với cáo buộc liên quan đến tội ác chiến tranh trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.
Cụ thể, Toà ICC cáo buộc ông Putin trong việc trục xuất và chuyển giao bất hợp pháp trẻ em từ khu vực của Ukraine bị Nga chiếm đóng, sang nước Nga, trong cuộc xâm lược Ukraine của quân Nga. Đây là lệnh bắt giam đầu tiên chống lại nhà lãnh đạo của một quốc gia là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
RFA đề cập đến việc, Việt Nam hồi tháng 9/2023 đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất, là Đối tác chiến lược toàn diện, mức mà Hà Nội đã thiết lập với Nga từ năm 2012, và tiếp tục được khẳng định trong chuyến thăm của ông Putin vừa qua.
RFA tiếp tục dẫn phát biểu tại buổi họp báo của ông Kritenbrink, bày tỏ quan ngại về chuyến thăm của ông Putin, và nói rõ với giới chức Việt Nam rằng, nguyên nhân chính của chuyến thăm của ông lần này, là quan hệ đối tác Mỹ – Việt. Ông đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
“Chỉ Việt Nam có thể quyết định cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền và thăng tiến các lợi ích của mình” – ông Kritenbrink phát biểu.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Kim ngạch thương mại Mỹ – Việt Nam đã đạt 111 tỷ đô la vào năm 2023, cao hơn nhiều lần con số 3,6 tỷ đô la giữa Nga và Việt Nam.
RFA cũng cho biết, quan hệ giữa Hà Nội và Moscow có tầm quan trọng không chỉ vì mối quan hệ truyền thống trước đây, mà còn bởi Nga hiện vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Hà Nội, và các công ty Nga đang có các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam – nơi Trung Quốc nhiều tháng qua liên tục có các hành động gây rối.
Ông Kritenbrink nói rằng, các hành động gây hấn ngày một gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông đã gây nên mối lo ngại lớn cho khu vực và thế giới.
Chuyến thăm của ông Kritenbrink cho thấy, Mỹ vẫn rất coi trọng mối quan hệ ngoại giao đối với Hà Nội, bất chấp việc Việt Nam đã có rất nhiều những động thái đi ngược với quan điểm của thế giới tự do. Điển hình là quan hệ với Trung Quốc và Nga, ngoài ra còn có các vụ đàn áp nhân quyền, việc bắt giam các nhà báo và luật sư mới đây, việc đấu đá tranh giành quyền lực đi ngược các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền…
Không rõ, nước Mỹ và phương Tây sẽ còn “chiều chuộng” chế độ độc tài của Hà Nội đến khi nào?
RFA cho biết thêm, Hà Nội vào hôm 21/6 cho biết, đã sẵn sàng thảo luận với Philippines, liên quan đến những đòi hỏi chủ quyền chồng lấn ở thềm lục địa tại Biển Đông, một cách tiếp cận ngoại giao khác hẳn với Trung Quốc.
Minh Vũ – thoibao.de