Mục tiêu tiếp theo của Tô Đại, là sẽ “diệt” các uỷ viên Bộ Chính trị phe Nghệ Tĩnh?

Cuộc chiến quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam tưởng chừng sẽ chậm lại, rồi đi đến kết thúc giai đoạn khủng hoảng thượng tầng chưa từng thấy vừa qua.

Đáng chú ý, theo giới qua sát, dường như, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đang răm rắp thực hiện mọi yêu cầu của Tô Lâm. Kể cả việc đề nghị xử lý đối 2 nhân vật cùng phe Nghệ Tĩnh với ông Tú.

Hai nhân vật kể trên là ông Đinh Tiến Dũng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính; và ông Nguyễn Văn Yên – Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng trước đây thuộc phe Ninh Bình của cố Chủ tịch Trần Đại Quang. Nhưng từ sau Đại hội Đảng 12, Tổng Trọng chủ trương triệt hạ phe cánh của ông Ba Dũng, cũng như tay chân của ông Trần Đại Quang. Vì vậy, sau khi Đinh La Thăng bị trảm, Đinh Tiến Dũng đã “quay xe”, đầu quân cho phe Nghệ An. Và sau đó, Đinh Tiến Dũng được các ông trùm Nghệ An là Nguyễn Sinh Hùng và Vương Đình Huệ nâng đỡ, nên đã thăng tiến rất nhanh.

Nếu nhìn lại quá trình thăng tiến của Đinh Tiến Dũng, có thể thấy, ông là “cái bóng” của Vương Đình Huệ.

Khi Vương Đình Huệ rời ghế Tổng Kiểm toán Nhà nước để lên chức Bộ trưởng Bộ Tài chính vào năm 2011, thì Đinh Tiến Dũng được bố trí vào ghế Tổng Kiểm toán thay ông Huệ. Đến năm 2013, khi Vương Đình Huệ được Tổng Trọng bố trí giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thì ghế Bộ trưởng Tài chính lại được chuyển ngay cho Đinh Tiến Dũng.

Trước Đại hội Đảng 13, Vương Đình Huệ được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, sau Đại hội được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, thì một lần nữa, Đinh Tiến Dũng được điều sang giữ chức Bí thư Hà Nội để thay thế ông Huệ. Chưa hết, tháng 4/2024, khi Huệ Vương bị Tô Lâm “cưa ghế”, thì nhiều người cho rằng, cái kết của Đinh Tiến Dũng là cái chết được báo trước, trong kế hoạch “tảo thanh” phe Nghệ Tĩnh của Tô Lâm.

Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 21/6, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã họp, xem xét, và đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa 15 của Thành phố Hà Nội, để nghỉ công tác.

Ngoài ra, Ban Bí thư cũng quyết định cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Văn Yên – Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, một cánh tay phải của ông Phan Đình Trạc – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng và tiêu cực.

Đến chiều 25/6, truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin, ông Nguyễn Văn Yên đã bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, khởi tố, bắt tạm giam, để điều tra về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, theo Điều 337 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, chỗ ở của ông Yên cũng bị khám xét.

Đây được coi là một đòn đánh chặn, “khóa đầu, khóa đuôi” của ông Tô Lâm, để thanh toán món nợ đối với kẻ thù lâu nay vẫn ủ mưu, rắp tâm giành ghế Bộ trưởng Bộ Công an, theo chỉ đạo của Tổng Trọng. Theo đó, ông Phan Đình Trạc sẽ phải chịu trách nhiệm người đứng đầu, đối với các sai phạm của ông Nguyễn Văn Yên, theo Quy định số 142-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, có hiệu lực từ ngày 23/4/2024.

Có ý kiến bi quan khi cho rằng, nếu ông Trạc không cẩn thận, thì đàn em của Tô Lâm sẽ “vẽ ra tội”, để tống ông vào tù.

Mục tiêu tối cao của Chủ tịch Tô Lâm và phe cánh hiện nay, đó là, quyết tâm xóa sổ phe cánh Nghệ Tĩnh, bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là bệ đỡ quyền lực của Tổng Trọng, đồng thời là một phe chính trị cực kỳ nguy hiểm, với sự chống lưng của Tổng Trọng và Ban lãnh đạo Bắc Kinh, đã từng làm mưa làm gió trên chính trường Việt Nam trong suốt hơn 10 năm qua.

Theo giới phân tích, với quyết tâm triệt hạ phe Nghệ Tĩnh, ông Tô Lâm muốn gửi tới các cá nhân và các phe cánh trong Đảng thông điệp: “hàng thì sống, chống thì chết”.

Tới đây, phe Tô Lâm sẽ tiếp tục xử lý thêm bao nhiêu uỷ viên Bộ Chính trị? Trong đó, sẽ có bao nhiêu uỷ viên phe Nghệ Tĩnh? Liệu sẽ là Phan Đình Trạc; Trần Cẩm Tú hay Lê Minh Hưng? Ai sẽ tiếp bước ghi tên vào danh sách chủ động viết “đơn xin thôi chức”?

Không ai có thể dự đoán chính xác vào lúc này, trừ khi, chúng ta biết được chính xác, ai và thế lực chính trị nào, đứng sau hậu trường để giật dây cho ông Tô Lâm và Bộ Công an./.

 

Trà My – Thoibao.de