Phe Nghệ Tĩnh là lực lượng hùng hậu nhất nhì trong Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Hai lực lượng này đều đang ẩn nấp dưới trướng của Tổng Trọng. Với Ban Bí thư mới được gia cố bằng quân đội, hai phe này hy vọng có được nơi trú ẩn an toàn hơn.
Tô Lâm ra mặt tạo phản lần này cũng gặp không ít khó khăn, ban đầu thì rất thuận tiện khi đánh gục liên tiếp 3 đại đồ đệ của ông Tổng, mở đường cho Tô Lâm ngồi vào ghế Chủ tịch nước, đồng thời cũng triệt được đối thủ nặng ký nhất. Tuy nhiên, ý đồ vừa ngồi ghế Chủ tịch nước vừa kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an đã bị phá sản, bởi đòn đánh bất ngờ của Phạm Minh Chính, làm Tô Lâm phải vất vả huy động cả Bộ Công an làm cuộc đảo chính ngầm.
Tuy cuộc đảo chính ngầm thành công, nhưng phe của Tô Lâm cũng đang phải đối mặt với rủi ro, khi mà liên minh Nghệ An – Hà Tĩnh vẫn có 4 uỷ viên Bộ Chính trị, sau khi ông Tô Lâm đánh rụng Vương Đình Huệ. Sự hồi phục số lượng uỷ viên Bộ Chính trị của hai nhóm này, là sự đe dọa không nhỏ cho thế lực Hưng Yên của ông Tô Lâm.
Phe Hưng Yên của Tô Lâm cần tăng thêm uỷ viên Bộ Chính trị để có tiếng nói mạnh hơn nữa. Đấy là điều vô cùng cần thiết. Mục tiêu của Tô Lâm là Lương Tam Quang sẽ vào Bộ Chính trị ở Hội nghị Trung ương 10 sắp tới. Nếu không thực hiện được tham vọng này, thì những tháng còn lại của nhiệm kỳ này sẽ không dễ dàng đối với Tô Lâm.
Bộ trưởng Bộ Công an là Ủy viên Bộ Chính trị, rất có lợi thế. Chính Bộ trưởng được ngồi chung mâm với nhóm siêu quyền lực, sẽ góp được tiếng nói vào nhóm này, và không loại trừ có thể lên tiếng đe dọa những thành viên còn lại. Còn chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng thì chỉ biết vâng theo những quyết sách mà Bộ Chính trị đưa ra.
Muốn cho phe mình trở nên vô đối, thì phải làm suy yếu đối phương, và làm phe mình trở nên mạnh hơn. Trong trường hợp của Tô Lâm, nếu triệt hạ được phe Nghệ An và Hà Tĩnh, thì Tô Lâm sẽ đạt được 2 mục đích, vừa làm cho đối phương suy yếu, vừa nâng cao sức mạnh cho phe Hưng Yên.
Với việc cho Trần Cẩm Tú tước bỏ hết các chức vụ trong Đảng của Nguyễn Văn Yên – cấp phó của Phan Đình Trạc, rồi sau đó ra tay bắt ông này, thì xem như, Tô Lâm đã bắn một mũi tên được 2 mục đích. Ông vừa điều khiển được Trần Cẩm Tú – phe Hà Tĩnh; vừa áp sát được Phan Đình Trạc – phe Nghệ An.
Việc đánh Nguyễn Văn Yên chỉ là bước đầu, bước tiếp theo là đánh cho Phan Đình Trạc gục ngã. Nếu có thể làm cho ông Trạc ngã trước Hội nghị Trung ương 10, thì điều đó có nghĩa, cửa vào Bộ Chính trị cho Lương Tam Quang sẽ thênh thang rộng mở.
Đấy là những nước cờ của Tô Lâm, hầu như ai cũng nhìn thấy. Nhưng liệu với lực lượng hùng hậu, với 4 uỷ viên Bộ Chính trị và gần 20 ủy viên Trung ương Đảng, nhóm Nghệ Tĩnh có làm gì để cản đường Tô Lâm hay không, hay chỉ đưa lưng chịu trận?
Có thể nói, việc cậy quá nhiều vào ô dù của Tổng Trọng, giờ đây đã khiến nhóm Nghệ Tĩnh gặp khó khăn. Trước đây, ô dù của ông Tổng như một boongke vững chắc. Nhưng giờ đây, ô dù của ông Tổng lại chẳng khác nào chiếc ô rách. Chiếc ô này đang sắp hết hạn sử dụng, nên chẳng che chắn được gì cho 2 nhóm lợi ích này.
Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy, phe Nghệ An và Hà Tĩnh có thể cản được sức mạnh của phe Tô Lâm. Không biết, thời gian sắp tới, phe Nghệ An và Hà Tĩnh có chiến thuật gì mới hay không, chứ cho đến thời điểm này, họ vẫn đang bế tắc.
Xem ra, khó có lực lượng nào ở Trung ương Đảng và trong Bộ Chính trị có thể cân bằng quyền lực với phe Tô Lâm ở thời điểm này.
Thái Hà – Thoibao.de