Sau Đại hội Đảng 12, năm 2016, Tổng Trọng đã khởi động một chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô lớn, hay còn gọi là công cuộc “đốt lò”. Đây là bản sao của chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã khởi động ở Trung Quốc từ khi lên nắm quyền vào năm 2012.
Trong lúc, chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” ở Trung Quốc đã thành công đáng kể, thì công cuộc “đốt lò” của Tổng Trọng vẫn chưa thành công, nếu không nói là thất bại hoàn toàn.
VOV1 mục Thời sự, ngày 27/6 đưa tin “Trung Quốc khai trừ 2 cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra khỏi Đảng”.
Bản tin cho hay:
“Hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là Ngụy Phương Hòa và Lý Thượng Phúc, vừa bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định khai trừ ra khỏi Đảng. Quyết định được đưa ra hôm nay 27/6/2024.”
Theo đó, cả 2 vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng này đều bị kỷ luật, khai trừ Đảng, vì “vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng”. Cụ thể, 2 ông đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị và kỷ luật tổ chức, lợi dụng chức vụ để trục lợi cho người khác, và đưa – nhận hối lộ. Trong quá trình thẩm tra, điều tra, cả 2 ông còn bị phát hiện có những hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng khác.
Theo giới quan sát, khả năng cao, cả 2 cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phương Hòa và Lý Thượng Phúc sẽ bị khởi tố hình sự, với những tội danh ở mức cao nhất, với bản án rất nghiêm khắc, kể cả án tử hình.
Đây chính là lý do vì sao, công cuộc “đả hổ, diệt ruồi” ở Trung Quốc thành công, và tình trạng quan tham với quy mô lớn đã giảm bớt rất nhiều.
Trong khi đó, công cuộc “đốt lò” ở Việt Nam do Tổng Trọng phát động, đã hơn 8 năm, nhưng tham nhũng không hề thuyên giảm, ngược lại, còn lan rộng trong bộ máy Đảng và nhà nước. Kể cả những lãnh đạo cao nhất ở thượng tầng cũng dính chàm.
Một trong những nguyên nhân cơ bản nhất, khiến công cuộc “đốt lò” thất bại, là Tổng Trọng không kiên quyết và triệt để, xử lý kỷ luật theo lối “giơ cao đánh khẽ”, thiếu tính răn đe, nên các quan chức không sợ. Điều này khác hẳn với công cuộc chống tham nhũng của ông Tập ở Trung Quốc, Bắc Kinh sẵn sàng áp dụng các mức cao nhất, nghiêm khắc nhất, kể cả là tử hình.
Theo giới quan sát, kể từ khi có Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 3/11/2021, về việc miễn nhiệm, từ chức, đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, từ Ủy viên Trung ương trở lên, thì quan tham cấp cao hầu như không bị xử lý hình sự. Bằng cách chủ động “xin thôi” chức khi mắc sai phạm, thì mặc nhiên, sẽ được cho phép “hạ cánh an toàn”, không bị xử lý hình sự, mà chỉ bị xử lý hành chính hay kỷ luật Đảng.
Đây là lý do vì sao, 7 uỷ viên Bộ Chính trị bị kỷ luật trong vòng hơn 3 năm qua, dù đều có những vi phạm “đủ căn cứ xem xét cho miễn nhiệm”, nhưng tất cả đều được hạ cánh an toàn, theo cách chủ động “xin thôi chức”.
Nhìn chung, các thông báo của Đảng Cộng sản Việt Nam, về việc kỷ luật đối với lãnh đạo cao cấp, đã rập khuôn đến mức không sai một dấu phẩy. Đó là, “đồng chí A đã nhận thức trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, nên đã có đơn xin thôi các chức vụ được phân công, nghỉ công tác, nghỉ hưu. Và được lãnh đạo đảng, và Ban Chấp hành Trung ương đồng ý”.
Điều vừa kể trái hoàn toàn trái với Quy định số 41, theo đó, có 2 hình thức kỷ luật, là:
– “Miễn nhiệm” đối với trường hợp có vi phạm, nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.
– Hay “Từ chức”, là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ, và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Như vậy, rõ ràng, những vi phạm của 7 uỷ viên Bộ Chính trị kể trên (trừ ông Phạm Bình Minh), đều đúng với căn cứ để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét miễn nhiệm, hay buộc phải từ chức. Nhưng Tổng Trọng và lãnh đạo Đảng đã không làm như vậy, mà cho phép “tự nguyện xin thôi chức” và được “đồng ý cho thôi chức”.
Theo giới phân tích, quy trình “xin thôi chức” để được hạ cánh an toàn, là sản phẩm của Tổng Trọng. Ông Trọng còn cho rằng, đây là một “điểm mới”, mang tính “nhân văn, nhân ái”, khi chủ trương khuyến khích cán bộ cấp cao, xin thôi chức để tránh bị xử lý hình sự. Theo Tổng Trọng: “Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất xin thôi. Rút lui trong danh dự là tốt nhất”.
Mà “rút lui trong danh dự”, có nghĩa là, các quan chức này không bị xử lý hình sự, vẫn hưởng đủ các tiêu chuẩn cũ theo quy định và quan trọng là không bị tịch thu tài sản do tham nhũng mà có. Dù rằng những lãnh đạo này đã có những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng và khó khắc phục./.
Trà My – Thoibao.de