Vương Tấn Việt, một hầm phốt của nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa đang bị bung nắp?

Những ngày qua, vụ bằng tiến sĩ cấp tốc của ông Vương Tấn Việt – tức Thượng tọa Thích Chân Quang, đã làm cho cộng đồng mạng dậy sóng. Ban đầu, chỉ là sự bất thường của thời gian đào tạo hệ tiến sĩ, khiến cộng đồng mạng đặt nghi vấn. Sau đó, những chuyên gia về giáo dục đã vào cuộc, phân tích sâu, thì mới lòi ra cả một “hầm phốt” đằng sau tấm bằng này.

Thời gian đào tạo 2 năm, lại là 2 năm đỉnh điểm của dịch Covid-19, hầu hết các chương trình đào tạo đều chuyển sang dạy và học online. Đặc biệt, các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ đều bị chậm lại. Trong khi đó, ông Vương Tấn Việt lại hoàn thành một chương trình 4 năm trong vòng 2 năm, mà không học tập trung toàn thời gian.

Những người từng trải qua chương trình đào tạo tiến sĩ, nhận xét, có thể hoàn thành chương trình tiến sĩ đúng thời hạn 4 năm, đã được xem là giỏi. Gần như, không ai có thể rút ngắn thời gian đào tạo tiến sĩ. Vậy mà, Vương Tấn Việt lại có thể rút ngắn thời gian đào tạo xuống còn một nửa.

Soi kỹ hơn, trong Luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, một nhà khoa học đã phát hiện rằng, ông đã bỏ qua việc lấy ý kiến của 2 phản biện viên độc lập (phản biện kín) và ý kiến của 30 nhà khoa học, cho bản tóm tắt luận án. Ngoài ra, ông Việt cũng không đáp ứng đủ điều kiện phải có 2 bài báo khoa học, trước khi bảo vệ luận án. Trong 2 bài báo được trường Đại học Luật Hà Nội chấp nhận, để ông Việt đủ điều kiện bảo vệ luận án, có 1 bài viết vào năm 2017, khi mà ông chưa là nghiên cứu sinh. Trong khi đó, điều kiện về 2 bài báo khoa học này, phải viết về đề tài mà luận án tiến sĩ nghiên cứu, cho nên, phải là bài báo xuất bản trong giai đoạn đang nghiên cứu đề tài.

Hiện nay, Bộ Giáo dục Đào tạo đã có công văn, yêu cầu trường Đại học Luật trả lời về vụ việc này. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa thấy sự giải thích thỏa đáng của trường Đại học Luật Hà Nội. Trước đó, trường này đã có công văn, giải thích về sự bất thường trong quá trình nghiên cứu sinh để có tấm bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt. Tuy nhiên, đây chỉ là công văn mang tính đối phó, vì chứa rất nhiều điểm bất hợp lý.

Mới đây, truyền thông trong nước cho biết, ông Việt hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Tôn giáo học, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhiều người đặt câu hỏi, Sài Gòn cũng có Đại học Luật và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tại sao ông Việt không học ở các trường này, mà phải học tại những khoá do các trường ở phía Bắc vào tuyển sinh ở phía Nam?

Dân gian có câu “dốt chuyên tu, ngu tại chức”. Theo giới chuyên môn, nhóm những người “chuyên tu”, “tại chức” này, thường rủ nhau học lên thạc sĩ, tiến sĩ, ở các trường đại học phía Bắc.

Trường Đại học Đông Đô có trụ sở chính tại Hà Nội, đã từng bị phanh phui là địa chỉ bán bằng cho rất nhiều quan chức. Tuy nhiên, chính quyền lại không công bố danh sách những người mua bằng ở trường đại học này, vì hầu hết đều là quan chức các cấp, thậm chí có chức có quyền rất lớn. Vì thế, vụ Đại học Đông Đô đã được đậy “nắp phốt”, chỉ dừng ở việc khởi tố lãnh đạo trường.

Thực tế, không chỉ Đại học Đông Đô, mà còn có rất nhiều trường đại học công lập tiếng tăm ở Hà Nội, cũng tổ chức đào tạo qua loa để cấp bằng. Đây chính là hình thức bán bằng tinh vi, bởi khi bị thanh tra, thì toàn bộ quá trình tuyển sinh và học tập của học viên đều có lưu đủ, và trường dễ dàng để đối phó. Học viên mua bằng chỉ cần học như “đi dạo”, rồi đến thời điểm sẽ được cấp bằng.

Ở Sài Gòn, bằng cấp từ các hệ đào tạo từ xa, hệ tại chức v.v… hầu như bị các trường có tên tuổi từ chối tuyển sinh vào chương trình thạc sỹ, và tất nhiên chương trình tiến sĩ lại càng không. Do đó, những người này chỉ có thể tìm đến các trường phía Bắc, khi họ mở các chương trình tuyển sinh ở phía nam, để tiếp tục “học hình thức” và nhận bằng thật. Trong đó có những trường lâu đời.

Nếu Bộ Giáo dục Đào tạo làm đến cùng tấm bằng của ông Vương Tấn Việt, thì không chỉ trường Đại học Luật Hà Nội, trường  Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, mà còn rất nhiều trường khác sẽ “lộ tẩy”.

Nều giáo dục Việt Nam đã vô cùng thối nát, trong đó, các trường đại học phía Bắc là thủ phạm chính làm bại hoại nền giáo dục nước nhà.

 

Trần Chương – Thoibao.de