Ngày 28/6, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt bình luận “Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và những sản phẩm như Thích Chân Quang”.
Tác giả đề cập đến những việc Thượng tọa Thích Chân Quang đã trở thành tâm bão dư luận, với hành trình trở thành “tiến sĩ Luật” của ông, thế danh Vương Tấn Việt.
Tác giả phân tích, ông Việt sinh năm 1959, đến năm 30 tuổi (1989) mới hoàn thành chương trình bổ túc văn hóa cấp 3. Mười hai năm sau (2001), lúc 42 tuổi, ông tốt nghiệp Khoa tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Sau đó 16 năm (2019), ông tốt nghiệp cử nhân ngành Luật (hệ vừa học vừa làm).
Thế nhưng, chỉ 10 tháng sau khi cầm văn bằng cử nhân Luật, ông Việt được nhận làm “Nghiên cứu sinh Tiến sĩ” (12/2021), và chỉ trong vòng 24 tháng, ông Việt hoàn tất – bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Tác giả mỉa mai, bởi con đường trở thành “Tiến sĩ Luật chuyên ngành Hiến pháp – Hành chính” của ông Việt, vừa ngắn ngủi, vừa lạ thường, nên ngày 25/6, Bộ Giáo dục Đào tạo đã gửi công văn yêu cầu Đại học Luật Hà Nội “báo cáo”.
Tuy nhiên chuyện không chỉ có thế…
Tác giả nhận xét, tuy là tu sĩ, nhưng dường như, ông Việt đặc biệt ham thích chuyện tự tô vẽ cho chính ông. Đó cũng là lý do, công chúng có thể vào YouTube xem ông Việt trình bày luận án tiến sĩ của ông, về “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam”. Luận án đã bị nhiều người, nhiều giới, ở cả trong lẫn ngoài chỉ trích…
Tác giả dẫn phản biện của ông Nguyễn Quốc Tấn Trung – nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành công pháp tại Đại học Victoria ở Canada. Ông Trung nêu ra nhiều điểm, không chỉ đáng chú ý, mà còn đáng lo, đối với quan điểm của ông Việt – người cho rằng thế giới đang chệch hướng vì “hiểu sai về nhân quyền”. Trong khi, ông Việt nhấn mạnh “quyền phải đi kèm với nghĩa vụ”, thậm chí phải thực hiện, chu toàn các nghĩa vụ, trước khi thụ hưởng các quyền, thì ông Trung giải thích và chứng minh loại quan niệm này ngược chiều với văn minh nhân loại…
Ông Trung lưu ý, sở dĩ cộng đồng quốc tế xác định, nhân quyền phải là các quyền căn bản, vô điều kiện, không thể tách rời cá nhân và phổ quát, vì nhân loại đã từng trả giá rất đắt, khi để một số nhà nước đính kèm nghĩa vụ vào các quyền này. Chẳng hạn, nhờ việc công nhận “quyền dân tộc tự quyết”, mà các dân tộc đang bị đô hộ có quyền tranh đấu đòi lại sự độc lập. Tương tự là “quyền bình đẳng giới tính”, phụ nữ hoặc những người thuộc cộng đồng giới tính thứ 3, chẳng cần hoàn thành bất kỳ nghĩa vụ nào để được bình đẳng với nam giới.
Ông Trung nói thêm, ngay cả khi một cá nhân có dấu hiệu vi phạm luật pháp, vi phạm các chuẩn mực chung, thì “không bị tra tấn, không bị đối xử phi nhân tính” vẫn là quyền đương nhiên không thể tách rời khỏi cá nhân đó, và cơ quan công quyền phải tôn trọng quyền này. Đó chính là một loại hàng rào ngăn chặn lạm quyền, gây ra oan sai…
Ông Trung cho rằng, nỗ lực xem nghĩa vụ là điều kiện, khoác điều kiện lên những quyền đã được hệ thống luật pháp quốc tế về nhân quyền ghi nhận, là “đặc biệt nguy hiểm” và “đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến diễn ngôn chính trị”…
Tác giả kết luận, khi “Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ” của Đại học Luật Hà Nội, với 7 giáo sư tiến sĩ hoặc phó giáo sư tiến sĩ, cùng nhất trí với quan niệm của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, thậm chí còn cho rằng, quan niệm của ông Việt là “cơ sở rút ra những nhận định có giá trị để đưa ra các đề xuất hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ con người trong pháp luật Việt Nam”, và “mở một hướng nghiên cứu mới, hướng tiếp cận liên ngành, để nghiên cứu về nghĩa vụ con người một cách toàn diện”, thì điều đó, có khác gì Hội đồng này vừa tuyên chiến với giới luật gia thuộc phần còn lại của thế giới, vừa gián tiếp, thay nhà nước Việt Nam khai chiến trong cuộc chiến nhận thức lại về nhân quyền?
Quang Minh – thoibao.de