Nhiều người mất niềm tin vào trần thế, nên phải tìm an ủi trong tôn giáo

Ngày 27/6, RFA Tiếng Việt bình luận ‘“Phóng tay chi tiền công đức” để mong cầu gì?”

RFA cho biết, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, được truyền thông nhà nước loan tải mới đây, chỉ 15.000 di tích trong cả nước, gồm chùa chiền, cơ sở tín ngưỡng… đã thu về 4.100 tỷ đồng tiền công đức trong năm 2023. Đây chỉ là số tiền thực thu của một nửa số lượng di tích hiện có trên cả nước, bởi hiện Việt Nam có hơn 31.000 di tích.

RFA dẫn nhận định của bà Phương Diên, một Phật tử, nói rằng:

“Số tiền đó quá lớn… Người dân đã bị u mê khi nghĩ rằng, cúng vào chùa, được Phật chứng giám, thì mới được phước nhiều.”

Đức Phật không phải là thần thánh. Đức Phật không mê tín dị đoan. Chỉ là nhân quả. Một số ngôi chùa tạo ra Đức Phật như một vị thánh nên người dân u mê, nghĩ rằng Đức Phật sẽ ban phước khi cúng vào chùa nhiều tiền.”

“Thực sự, khi các vị thầy đi tu, trước hết, họ nghĩ là họ sẽ bỏ tham, sân, si. Nhưng khi họ làm trụ trị ngôi chùa nào đó, họ được chúng sanh lễ bái, xưng tụng, thì bản ngã của họ lên cao, cái tham của họ bắt đầu trở lại. Lúc đó, họ cần có nhiều tiền để xây dựng chùa cho thiệt lớn, như một đế chế của mình. Đó là mục tiêu của một số chùa, và chắc chắn có sự bảo kê của chính quyền.”

RFA cũng cho biết, trong năm 2023, chỉ từ ngày 19/3 đến ngày 30/4, theo báo cáo của chùa Ba Vàng, số tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội của chùa này là hơn 4,1 tỉ đồng. Con số này không bao gồm tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo.

RFA dẫn nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện:

“Qua hiện tượng chùa Ba Vàng và một số chùa khác, thì tôi thấy là, đạo Phật của Việt Nam đang đến hồi mạt pháp và làm rối loạn tâm linh, rối loạn lòng người, và báo hiệu một chương rất đen tối của lịch sử Phật Giáo Việt Nam.”

“Cho đến bây giờ, thì càng ngày, lòng tin của con người trong cuộc sống hiện tại không còn nữa. Chưa bao giờ, các vấn đề về băng hoại giá trị truyền thống rạn nứt như bây giờ, cho nên người dân không tìm được sự an ủi, niềm tin nơi trần thế, thì họ phải tìm kiếm trong tôn giáo.”

Chính những người trong những ngôi chùa như vậy, kết hợp với những quan chức cấp tỉnh, và kết hợp với những đại gia, lợi dụng sự yếu đuối, sự mê lầm đó của dân chúng để trục lợi.”

Theo RFA, tiền cúng dường, tiền công đức, bị nhiều người gọi là “doanh thu” của chùa, và chuyện tu hành bị coi là một nghề. Dư luận còn nhớ câu chuyện Đại đức Thích Thanh Toàn ở chùa Nga Hoàng hoàn tục, và xin giữ lại tài sản hơn 300 tỷ đồng mà ông này có được chỉ sau 10 năm “tu hành”.

RFA dẫn quan điểm của một người dân Sài Gòn, cho rằng:

“Cái chữ “công đức” bây giờ không còn giữ nguyên nghĩa tốt đẹp từ ngàn xưa, khi đạo Phật được truyền vào Việt Nam, mà nó ngày càng biến tướng như một sự mua bán – cúng tiền càng nhiều thì càng tạo phước. Đây là một suy nghĩ tai hại cho phẩm giá làm người.”

“Đây là một tội lỗi rất lớn của rất nhiều ông trụ trì, tác oai tác quái hàng chục năm qua. Họ đầu độc chúng sanh rất nặng.”

“Tiền công đức đúng là chỉ dùng để tôn tạo, sửa chữa chùa; tạo những cảnh quan tôn nghiêm, an lành cho chúng sanh, chứ không phải dùng để làm những việc mà họ không thể báo cáo công khai minh bạch.”

“Rất nhiều người khoác áo tu hành hiện nay đầy hết từ tham, sân, si cho tới thất tình lục dục. Họ dùng cái đầu trọc và bộ áo nâu sòng, với những lời đạo đức giả nhằm lừa gạt chúng sanh, chẳng khác gì bọn lừa đảo chuyên nghiệp.”

Người này nói thêm, số lượng đền, chùa, miếu mạo hiện nay quá lớn, nhưng không chứng minh được người Việt Nam hôm nay có lòng nhân ái hoặc lòng từ bi; nó tạo ra xung đột về lương tri làm người, thông qua con số hàng chục ngàn đền chùa miếu mạo.

 

Thu Phương – thoibao.de