Người ta hay nói, làm chính trị là phải sử dụng “thủ đoạn”, tất nhiên, “thủ đoạn” trong nền chính trị khép kín và thiếu minh bạch như Việt Nam, thì mang nghĩa xấu. Đấy là các âm mưu mà các phe phái dùng để triệt hạ lẫn nhau, và không loại trừ trong đó có nhuốm màu tội ác.
Bên kia đại dương cũng đang tranh nhau chức Tổng thống của cường quốc số 1 thế giới, bằng cách thể hiện năng lực bản thân trước đại chúng. Không chỉ là năng lực “thuyết pháp”, mà còn là năng lực điều hành đất nước, nhờ vào những kết quả đạt được. Họ không cần dùng đến những hình thức triệt hạ nhau một cách phi pháp, để giành chiến thắng. Nếu ai dùng cách này thì người đó sẽ nắm chắc thất bại.
Ở Việt Nam, muốn tranh hùng tranh bá để ngoi lên thành thế lực mạnh nhất, thành ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế đứng đầu Đảng, thì người đó cần phải “lắm mưu nhiều kế”, và tất nhiên không thiếu “mưu hèn kế bẩn”.
Ở nơi mà mọi tội ác của chính quyền, được truyền thông độc quyền nhà nước nhuộm cho màu sắc “pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa” để bịp thiên hạ, thì việc các nhóm chính trị dùng “mưu hèn kế bẩn” để tẩn nhau, cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Tô Lâm hiện đã ngoi lên thành thế lực mạnh nhất, nhưng chưa phải là thế lực duy nhất trong Đảng. Khi nào Tô Lâm trở thành “thế lực duy nhất”, thì khi đó, ông ta mới hết kẻ thù trong Đảng, còn giờ đây, quanh Tô Lâm kẻ thù ẩn nấp rất nhiều.
Vương Đình Huệ đã rụng, thì xem như, Tô Lâm bớt được một đối thủ. Tuy nhiên, vẫn còn Phạm Minh Chính – một người đầy tham vọng và thủ đoạn. Tô Lâm đang thắng thế vì nắm trong tay Bộ Công an, nhưng xét về mưu (kể cả mưu bẩn), thì chưa chắc đã bằng Phạm Minh Chính. Một người mà đến giờ vẫn trụ vững trước sóng gió chính trường, thì Tô Lâm không thể coi thường.
Có thông tin cho biết, Phạm Minh Chính kết đồng minh với Tô Lâm trong cuộc chiến chống Vương Đình Huệ. Việc kết đồng minh như thế, cũng dễ dàng thấy được, là mục đích đôi bên cùng có lợi. Tô Lâm được lợi trước mắt là không phải căng sức ra, cùng lúc chiến đấu với 2 đối thủ lớn, từ đó khả năng chiến thắng cho Tô Lâm cũng cao hơn. Và thực tế, Tô Lâm đã chiến thắng.
Với Phạm Minh Chính, việc kết liên minh với Tô Lâm cũng cho ông Thủ tướng những cái lợi trước mắt, đấy là không phải đối đầu với một đối thủ quá mạnh như Tô Lâm, đồng thời, ghế Thủ tướng của ông không phải gặp sóng gió trong giai đoạn này.
Đúng là cả 2 cùng có lợi thật, nhưng rõ ràng, đấy chỉ là những lợi ích tạm thời. Phạm Minh Chính là con người tham vọng và Tô Lâm cũng thế. Trong một môi trường chính trị mà các phe phái tìm kiếm quyền lực bằng cách tranh đoạt, thì việc Tô Lâm để yên cho Phạm Minh Chính ngồi ở ghế Thủ tướng, chính là trữ bom nổ chậm trong nhà. Phạm Minh Chính là người được đánh giá là “chơi cờ cờ người rất giỏi”, đồng thời cũng là một người rất giỏi trong các pha “đánh úp”, bằng cách thọc vào tử huyệt của đối thủ.
Một khi còn đối thủ ngang tầm, là Tô Lâm vẫn không an toàn. Cho đến giờ, Tô Lâm vẫn chưa ngồi vào ghế Tổng Bí thư. Mà giả sử, Tô Lâm có ngồi vào chiếc ghế đứng đầu Đảng, thì việc để cho Phạm Minh Chính vẫn ung dung, sẽ gây khó cho Tô Lâm, để có thể thiết lập được một thế vững chắc, như Tổng Trọng đã từng làm trong nhiều năm qua.
Trong một môi trường chính trị đầy “hắc ám” như Việt Nam, nếu không thịt đối thủ thì sẽ bị đối thủ thịt, đấy là lời cảnh báo. Trước quyền lực, không một kẻ nào có thể đem cái gọi là “nghĩa khí anh em” ra mà dùng cả. Trong thời gian tới, nếu Tô Lâm không thịt được Phạm Minh Chính, thì trước sau gì cũng sẽ bị Phạm Minh Chính thịt.
Ở môi trường chính trị mà nhiều người đã phải chầu diêm vương vì tranh đoạt quyền lực, ắt không có sự thỏa hiệp lâu dài.
Có thể thấy, sàn đấu trong thời gian tới sẽ là cặp đấu Chính – Tô.
Thái Hà – Thoibao.de