Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, vấn đề an sinh xã hội luôn là một vấn đề quan trọng, được người dân quan tâm. Đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi.
Cổng Thông tin Chính phủ Việt Nam ngày 29/6 đưa tin, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đáng chú ý, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung chương III, về trợ cấp hưu trí xã hội.
Cụ thể, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên, nếu không có lương hưu, hoặc đối tượng là công dân Việt Nam từ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, do Ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Đây được coi là một sự tiến bộ trong chính sách an sinh xã hội, đối với người cao tuổi ở Việt Nam. Nhưng nếu nhìn sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan, thì Việt Nam còn thua xa.
Trong khi ở Việt Nam, được biết, mức chuẩn trợ giúp xã hội với người nghèo trên 75 tuổi, chỉ có duy nhất một khoản, ở mức bình quân là 360.000 đồng/tháng, tương đương 500 baht Thái. Thì người già ở Thái Lan từ 60 tuổi trở lên, được nhận trợ cấp hàng tháng theo mô hình bậc thang. Người 60 tuổi được nhận 600 baht/; 70 tuổi: 700 baht; 80 tuổi: 800 baht, 90 tuổi trở lên: 1,000 baht.
Ngoài ra, mỗi người nghèo ở Thái Lan còn được nhà nước cấp thẻ tín dụng, trị giá 300 baht/tháng, để lĩnh miễn phí các nhu yếu phẩm cần thiết, như bột giặt, gạo, chất đốt… tại các cửa hàng bán lẻ. Đối với các hộ gia đình nghèo, sử dụng điện dưới 60kw/tháng, sẽ được miễn phí toàn bộ.
Không chỉ là người cao tuổi, mà cả người nghèo ở Thái Lan cũng hạnh phúc hơn người bình thường ở Việt Nam.
Thái Lan có một chế độ an sinh xã hội tốt, mà kể cả các quốc gia có nền kinh tế phát triển cũng chưa chắc có thể làm được. Đặc biệt, 2 chính sách hàng đầu là Y tế và Giáo dục. Theo đó, giáo dục ở Thái Lan là miễn phí 100% trong 15 năm. Còn y tế thì thực hiện chữa bệnh không mất tiền cho mọi công dân, kể cả các bệnh hiểm nghèo.
Chương trình giáo dục miễn phí của Thái Lan quy định, tất cả trẻ em Thái Lan từ 3 tuổi trở lên, khi học ở hệ thống trường công, được miễn phí giáo dục toàn bộ, trong 15 năm phổ thông hay ở các trường dạy nghề. Nhà nước Thái Lan chi trả tiền cho tất cả các chi phí liên quan đến việc học tập của học sinh, như sách, vở, giấy, bút, cặp sách… và cả đồng phục. Phụ huynh học sinh không phải trả bất kỳ chi phí nào.
Vấn đề chữa bệnh miễn phí cho toàn dân cũng tương tự, mọi công dân Thái Lan đều được chữa bệnh miễn phí 100% theo yêu cầu, không phải trả tiền, và được cấp thuốc men miễn phí.
Chuyện “an sinh xã hội” ở Việt Nam hiện nay, nếu so sánh với Thái Lan, vẫn là một câu chuyện buồn và đáng thất vọng. Hai vấn đề lớn nhất là Giáo dục và Y tế, vẫn là một gánh nặng cho người dân, chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu, đối với các bậc phụ huynh học sinh ở Việt Nam.
Cho dù nhà nước Việt Nam vẫn nhân danh là Xã hội Chủ nghĩa, nhưng tại sao, họ không miễn phí Giáo dục và Y tế, theo truyền thống của các nhà nước Cộng sản, như Cuba hay Bắc Hàn đến nay vẫn duy trì?
Một số đông người Việt hiện nay không biết rằng, sự khác biệt kể trên là do thể chế chính trị giữa Thái Lan và Việt Nam tạo nên. Có thể thấy rõ khi so sánh giữa thể chế chính trị độc đoán toàn trị của Việt Nam, với thế chế chính trị dân chủ đa đảng ở Thái Lan.
Đây là sự khác biệt giữa một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” thực sự, khi chính quyền do người dân Thái Lan bầu ra bằng lá phiếu của chính họ. Với một nhà nước “của ông, do ông và vì các ông” theo kiểu “Đảng cử dân bầu”, mà thực chất, người dân Việt Nam không có một chút quyền lực nào trong sinh hoạt chính trị.
Trà My – Thoibao.de