Ngày 28/6, RFA Tiếng Việt bình luận “Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm trước bàn cờ Mỹ – Trung – Nga”.
RFA dẫn nhận định của nhà quan sát chính trị Việt Nam David Hutt, về chuyến thăm của ông Putin đến Hà Nội vừa qua, cho rằng: “chẳng mang lại mấy ý nghĩa, trừ khi phe an ninh đang trỗi dậy có thể áp đặt những gì xảy ra trong Đảng Cộng sản Việt Nam”. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu khác không đồng tình với nhận định của ông David Hutt.
RFA dẫn quan điểm của Luật sư Vũ Đức Khanh, Giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, Canada, cho rằng, chuyến thăm của ông Putin là do ông Trọng mời từ trước. Ông Tô Lâm ở vào thế “sự đã rồi”, buộc phải tiếp đón vì “vấn đề sức khỏe của ông Trọng, vừa để khẳng định quyền lực mới”.
Luật sư Khanh cho biết:
“Một nguồn tin là một cựu đại sứ của Hà Nội đã nói bóng gió rằng, phía Hà Nội đã tìm cách từ chối chuyến thăm của ông Putin, nhưng phía Nga đã tìm cách tác động rất nhiều để dẫn đến chuyến thăm đó”.
“Rõ ràng, nếu chúng ta nhìn các văn kiện mà hai bên Việt Nga ký kết, trong chuyến thăm của ông Putin, cũng như những nội dung công khai khác, thì ta thấy không có nội dung gì quan trọng và mang tính chiến lược cả.”
Tuy nhiên, theo Luật sư Khanh, chuyến thăm này mang thông điệp là cả 2 bên cùng thắng. Phía Putin muốn truyền thông điệp là nước Nga vẫn có bạn, chứ không bị bao vây hoàn toàn. Còn phía Việt Nam thì nhận được sự đồng thuận từ Moscow, là họ sẽ không đứng về phía Trung Quốc nếu xung đột Việt – Trung xảy ra trên Biển Đông.
Luật sư Khanh cũng cho biết, với các nguồn tin mà ông có và kiểm chứng từ nhiều phía, thì ông Tô Lâm có một chương trình nghị sự cho Việt Nam, và muốn có một khoảng cách nhất định với Bắc Kinh.
RFA cũng dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Hoàng Việt, ở Sài Gòn, không đồng tình với cả ông David Hutt và ông Vũ Đức Khanh. Theo ông Việt, ở Việt Nam, quyết định cao nhất và cuối cùng là thuộc về Bộ Chính trị. Ông giải thích:
“Những chuyến thăm ở cấp nguyên thủ như chuyến thăm của ông Putin, thì phải có chủ trương hằng năm trời.”
“Cho nên, nói ngành An ninh quyết định trong thời gian ngắn để mời ông Putin, thì rất khó xảy ra. Đó là chưa kể, quyết định ở Bộ Chính trị là quyết định tập thể.”
Theo ông Việt, quan hệ Việt – Mỹ, Việt – Trung, Việt – Nga không phải là do một cá nhân quyết định, “mà do cả hệ thống chính trị Việt Nam thực hiện”. Ông Tô Lâm đón ông Putin chỉ là theo sự phân công của Đảng, và là chuyện bình thường trên vai trò Chủ tịch nước.
RFA tiếp tục dẫn ý kiến của Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, ở Đại học Houston at Downtown, đồng tình với Luật sư Khanh, cho rằng, hiện nay, ông Tô Lâm thực sự là một quyền lực mới. Ông dẫn chứng việc Bộ Chính trị buộc phải chấp nhận đề nghị của Bộ Công an, đưa ông Lương Tam Quang lên Bộ trưởng Công an, cho thấy, lực lượng của ông Tô Lâm mạnh đến mức nào.
Giáo sư Chữ cho rằng, có thể ông Tô Lâm muốn copy mô hình Trung Quốc, là Chủ tịch nước và Tổng Bí thư là một. Nếu làm được điều này, quyền lực của Tô Lâm sẽ rất mạnh, bất kể, 2 ông Lương Tam Quang và ông Nguyễn Duy Ngọc có vào Bộ Chính trị hay không.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Chữ, việc ông Tô Lâm quá mạnh cũng có thể gây ra điểm tiêu cực, là mắc phải “hội chứng kẻ mạnh”, khi cấp dưới không dám báo cáo sự thật và lãnh đạo dễ mắc sai lầm.
Luật sư Khanh và Giáo sư Chữ cho rằng, có thể, ông Tô Lâm sẽ có chuyến thăm Mỹ trong thời gian tới. Theo Luật sư Khanh, đó sẽ là chỉ dấu cho thấy mọi thứ đang đi đúng hướng trong tính toán của hai phía. Còn Giáo sư Chữ thì cho rằng, ông Tô Lâm có thể chứng tỏ với Mỹ vai trò, vị trí của ông ở Việt Nam.
Ý Nhi – thoibao.de