Ngày 2/7, VOA Tiếng Việt có bài bình luận “Các diễn tiến đối ngoại mới nhất của Việt Nam nói gì?” của tác giả Đinh Hoàng Thắng.
Tác giả phân tích về một vài động thái trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên bang Nga, Trung Quốc, và Hoa Kỳ, dựa vào chuyến thăm của Tổng thống Putin tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Trung Quốc.
Tác giả đề cập đến sự có mặt của nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ về Đông Á, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink tại Hà Nội, ngay sau chuyến thăm của Putin đến Việt Nam, để nhắc nhở những lo ngại của Mỹ về chuyến thăm của Putin.
Tác giả cũng so sánh sự khác biệt giữa việc đón tiếp ông Putin tại Bình Nhưỡng và Hà Nội. Ở Triều Tiên, Lãnh đạo tối cao – Nguyên soái Kim Jong-un trực tiếp ra sân bay đón, tiễn và đích thân ông Kim hội đàm với ông Putin, nhấn mạnh về một “liên minh mới, cấp độ cao” và “cấu trúc an ninh mới”.
Còn ở Hà Nội, ông Putin đến trong đêm và đi cũng trong đêm. Tổng Trọng mời nhưng tân Chủ tịch nước Tô Lâm, đứng ra hội đàm chính thức, có phải là chỉ dấu muốn hạ thấp “nồng độ” chuyến thăm?
Tác giả cũng nhắc đến phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Quốc hội, ngay trong ngày 20/6, khi Putin đang ở Hà Nội, rằng, “phương tiện chiến tranh ngày hôm nay hiện đại, ngày mai có thể đã lạc hậu. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể lại mang cái lạc hậu về nhà”. Lời phát biểu của ông Giang cho thấy, Việt Nam đã có những cái nhìn khác trước, trong tính toán hợp tác quốc phòng Việt – Nga.
Tác giả nhận xét, Việt Nam và Nga đã ký 11 văn kiện hợp tác, với các dự án về chế biến dầu thô, khí hóa lỏng, công nghệ hạt nhân và năng lượng nguyên tử…
Tuy nhiên, nếu nước Nga của Putin ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, thì liệu hợp tác Nga – Việt tại các giếng dầu sẽ mở rộng, có đủ để ngăn chặn các âm mưu từ “chiến lược vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông?
Về việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Đại Liên, Trung Quốc, tác giả cho biết, Việt Nam tiếp tục muốn duy trì và phát triển quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc, tận dụng nguồn vốn và công nghệ của Bắc Kinh để phát triển hạ tầng và công nghiệp.
Sau Diễn đàn, ông Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình; hội đàm với Thủ tướng Lý Cường; có các cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Triệu Lạc Tế; Chủ tịch Mặt trận Vương Hộ Ninh.
Trong các cuộc gặp này, tác giả cho hay, Việt Nam đánh giá cao “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, “Sáng kiến Phát triển toàn cầu”, “Sáng kiến An ninh toàn cầu” và “Sáng kiến Văn minh toàn cầu”, do Trung Quốc đưa ra. Cam kết này của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, liệu có thể phát đi một tín hiệu, về việc, Việt Nam sẵn sàng nhượng bộ trước Trật tự quốc tế do Trung Quốc chủ đạo?
Đổi lại, Trung Quốc hứa sẽ thực hiện nghiêm túc nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo 2 Đảng, 2 nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, kiểm soát thỏa đáng bất đồng trên biển, tăng cường hợp tác trên biển…
Tác giả cho rằng, Thông cáo báo chí này cần đặt trong bối cảnh “chiến lược vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông đang bị phê phán bởi chính phủ các nước. Trong đó, nhiều nước, như Philippines, đã dũng cảm phản ứng công khai trước dư luận quốc tế.
Cuối cùng, tác giả nêu vấn đề, “Việt Nam có đang thay đổi chính sách đối ngoại?”, “Con thuyền ngoại giao Việt Nam” có bẻ lái khi giới quan sát đưa ra các “tín hiệu đỏ”: Hà Nội hồ hởi đón Putin, bỏ Hội nghị quốc tế hòa bình về Ukraine, nhưng tham gia Hội nghị đối thoại giữa BRICS với các nước đang phát triển? Việc Mỹ bỏ dán nhãn “kinh tế phi thị trường” tới đây vẫn là một ẩn số, trong khi vấn đề này có thể là nhân tố quyết định cho chuyến thăm Mỹ của Tô Chủ tịch.
Đáng lưu ý, theo tác giả, liệu Tô Đại tướng – Tân Chủ tịch nước có tiến hành thăm Mỹ trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 26/6 vừa công bố “Báo cáo tự do tôn giáo về năm 2023”, nhấn mạnh, vẫn còn các trường hợp chính quyền Việt Nam xâm hại, sách nhiễu các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc của đất nước? Cũng vào ngày 26/6, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Hoa Kỳ vừa kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm, trong đó có ông Y Yich, ông Y Pum Bya và bà Phạm Đoan Trang, đang bị giam cầm tại Việt Nam!
Một chuyến thăm “ra mắt” quốc tế, “thị uy quyền lực mới” với trong nước như thế, liệu có thể tiên lượng trước những kết quả khả quan?
Minh Vũ – thoibao.de