Trong những ngày vừa qua, vào thời điểm chính trường Việt Nam biến động lớn, Chủ tịch nước – cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm, vẫn chưa có khả năng kiểm soát được toàn bộ quyền lực trong Đảng.
Dư luận đặt câu hỏi: Tổng Trọng đang ở đâu, và vì sao liên tục vắng mặt, đặc biệt, liên tiếp 4 – 5 kỳ họp quan trọng gần đây, người ta thấy ông Trọng không tham dự, mà chỉ gửi thư chỉ đạo.
Theo giới quan sát, trong những ngày đầu tháng 7/2024, ông Trọng đã không tham dự các hội nghị rất quan trọng, trong vai trò Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là, Hội nghị Đảng uỷ Công an Trung ương ngày 4/7; Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 8/7; Hội nghị Ban Bí thư triển khai Quy định số 144, về công tác nhân sự chủ chốt cho Đại hội 14; và mới nhất là Hội nghị Quân chính Toàn quân, ngày 10/7, do Bộ Quốc phòng tổ chức.
Được biết, lần xuất hiện gần nhất của Tổng Trọng trước công luận, là buổi hội đàm với Tổng thống Nga Putin tại Hà Nội, chiều 20/6. Theo những hình ảnh được truyền thông nhà nước công bố, Tổng Trọng xuất hiện trong một thể trạng rất xấu. Khuôn mặt phù thũng, dáng vẻ yếu ớt, không thể ngồi thẳng bình thường, mà phải ngả người dựa vào phía sau. Nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, ông Trọng đã mất khả năng tự đi lại, cũng có nghĩa là, đã hết khả năng tự làm việc.
Sinh, lão, bệnh, rồi tử, là quy luật của đời người. Vì thế, nguyên tắc “ốm tha, già thải” để thay thế nhân sự, là lẽ thường tình. Nhưng với một kẻ tham quyền cố vị như Tổng Trọng, thì đó là cái “nghiệp” mà ông phải trả, bị người ta đòi “nợ” vào những năm tháng cuối đời.
Đó là câu chuyện liên quan đến Dự án Khu Đô thị Nam Thăng Long Ciputra, của nhà đầu tư Indonesia, từ những năm 2002 – 2004. Lúc đó, ông Trọng là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Báo Tuổi Trẻ năm 2006 có bài viết, “Nhà nước thiệt hại 3.000 tỷ đồng do quyết định duyệt giá đất của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội”. Theo bài viết, chỉ vì một quyết định của chính quyền Hà Nội, vào ngày 14/2/2004, duyệt giá thu tiền sử dụng đất của Dự án Ciputra sớm hơn 16 ngày, so với ngày công bố giá đất theo Luật Đất đai, mà ngân sách nhà nước đã thiệt hại 3.000 tỷ đồng.
Bài báo phân tích, Quyết định số 4622/UB-NNĐC (QĐ 4642), ngày 14/12/2004, của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, áp giá đất ở dự án Ciputra thấp hơn giá thị trường rất nhiều, chỉ từ 620.000 đồng đến 1.540.000 đồng/m2. Sau Quyết định 4622 có 16 ngày, chiếu theo Luật Đất đai, giá đất mới được Hà Nội công bố và áp dụng, từ ngày 1/1/2005, là từ 6.480.000 đồng đến 12.000.000 đồng một mét vuông, cao gấp từ 8 đến10 lần giá đất mà QĐ 4622 phê duyệt cho nhà đầu tư dự án Ciputra. Đổi lại, lãnh đạo Hà Nội đã nhận được những khoản “quà biếu trên mức tình cảm”, lên tới hàng triệu USD, bằng hiện vật và tiền mặt.
Đây là một dự án đầy tai tiếng, liên quan đến Tổng Trọng – một người nổi tiếng là trong sạch. Dù rằng, Tổng cục An ninh Bộ Công an giai đoạn 2010 đã cho điều tra vụ án này. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, vì nhiều lý do khác nhau, nên câu chuyện đã bị chìm xuồng.
Nhưng, không hiểu vì lý do gì, mới đây, bất ngờ, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức một phiên phiên chất vấn, liên quan dự án Ciputra, theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, để có căn cứ báo cáo Thủ tướng.
Giới quan sát cho rằng, những động thái này cho thấy, có sự bắt tay giữa Thủ tướng Chính và Chủ tịch nước Tô Lâm, nhằm gây sức ép, buộc Tổng Trọng phải chủ động sớm rút lui, trước Hội nghị Trung ương 10 sẽ diễn ra vào đầu tháng 10/2024.
Theo giới phân tích, thực ra sức khỏe ông Trọng đã từ lâu ngày càng kém, nếu ông Trọng không “tham quyền cố vị” bám chiếc ghế Tổng Bí thư, thì Tô Lâm cũng chẳng cần lật lại hồ sơ vụ án Ciputra.
Hơn nữa, có một quy định bất thành văn trong nội bộ Đảng. Theo đó, không chỉ “Tứ trụ”, mà cả uỷ viên Bộ Chính trị trở lên, cũng được hưởng đặc quyền có “kim bài miễn tử”.
Nghĩa là, khi vi phạm vấn đề tham nhũng, nếu chủ động xin thôi chức thì sẽ được cho hạ cánh an toàn, không bị xử lý hình sự và thu hồi tài sản có được do tham nhũng. Trừ trường hợp ngoại lệ duy nhất, cho tới nay vẫn chỉ có ông Đinh La Thăng mà thôi.
Tóm lại, nguyên do ông Trọng bị lật lại hồ sơ vụ án Ciputra – Khu đô thị Nam Thăng Long Hà Nội – là vì ông Trọng “tham quyền cố vị”, cản đường Tô Lâm.
Trà My – Thoibao.de