Ngày 13/7, RFA Tiếng Việt loan tin “Gia Lai: dân chặn xe chở cánh quạt vào Nhà máy điện gió Ia Le 1, để đòi đền bù”.
Theo đó, hàng chục hộ dân xã Ia Le (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) kéo ra đường, chặn xe tải chở cánh quạt vào Nhà máy điện gió Ia Le 1, để đòi bồi thường vì cho rằng dự án ảnh hưởng đất sản xuất của họ.
RFA dẫn báo Tuổi Trẻ, đăng ngày 13/7, cho biết, một người dân nói rằng, sở dĩ, bà con dừng xe là để yêu cầu chủ đầu tư dự án điện gió phải bồi thường thiệt hại đất sản xuất, và tài sản trên đất, trong phạm vi hành lang an toàn dự án. Theo người dân này, thời gian qua, việc bồi thường chưa thỏa đáng, trong khi dự án hoạt động ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt của họ.
RFA cho biết, ông Lê Thanh Việt – Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Ia Le – xác nhận với truyền thông nhà nước rằng, trên địa bàn có vụ việc người dân tập trung ra đường chặn đầu xe chở cánh quạt điện gió.
Ông Việt nói, đang cùng lực lượng chức năng họp bàn phương án giải quyết.
Đại diện Nhà máy điện gió Ia Le 1 cho hay, các xe tải chở cánh quạt vào dự án để thay thế một cánh quạt bị gãy, do sự cố hôm 29/4 tại trụ tuốc bin WT4.
Về sự cố gãy cánh quạt này, báo Tuổi Trẻ ngày 30/4 cho hay, khi trụ tuốc bin WT4 dừng hoạt động để bảo dưỡng, thì thời tiết xấu đột ngột, với sấm sét, gió to và dông lốc, khiến một cánh quạt va đập mạnh vào thân trụ, gãy gập.
Rất may, sự cố này không gây thiệt hại về người.
Tuy nhiên, sự cố trên khiến người dân có đất canh tác ở quanh trụ điện gió hoang mang, lo lắng. Thực tế tại hiện trường, những mảnh vỡ kim loại sắc nhọn, trọng lượng lên đến 5kg, nằm rải rác trên đất canh tác của người dân.
Trở lại với việc bồi thường tại dự án này, RFA dẫn lời giải thích của chủ đầu tư dự án, cho biết, đây là cái khó chung của nhiều dự án, vì chưa có quy định nào về các mức bồi thường, hỗ trợ nên chưa có cơ sở áp dụng.
RFA dẫn thông tư 02/2019 của Bộ Công Thương, trong đó quy định về hành lang an toàn điện gió, phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 mét.
Tuy nhiên, chưa có quy định hay hướng dẫn vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân sống trong khu vực ảnh hưởng của điện gió. Thời gian qua, doanh nghiệp đã làm việc với 17 hộ dân có nhà rẫy nằm gần phạm vi cánh quạt hoạt động, về các phương án bồi thường, nhưng người dân không đồng ý.
Theo RFA, vào tháng 3/2024, tại buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ, ông Trương Văn Đạt – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai, cho hay, các phát sinh từ điện gió đang là vấn đề nóng của tỉnh này, được cử tri nhiều lần kiến nghị.
Trong đó, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân, khi các dự án điện gió đi vào hoạt động, được phản ánh nhiều.
Theo ông Đạt, các dự án sử dụng công nghệ khác nhau, nên độ ồn cũng khác nhau, có dự án cách xa trụ điện 300 mét vẫn nghe tiếng ồn. Do đó, ông Đạt kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương, sớm xây dựng các quy chuẩn, quy định liên quan đến điện gió.
Trước đó, vẫn theo RFA, hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Chư Pưh đã làm đơn khiếu nại tập thể, gửi Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, yêu cầu giải quyết đền bù, hỗ trợ thiệt hại, tại dự án Điện gió Ia Le trước khi vận hành.
Theo nội dung đơn khiếu nại, người dân cho rằng, hiện nay, dự án Điện gió la Le (do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 làm chủ đầu tư) với tổng vốn đầu tư 4000 tỷ đồng, gồm 28 trụ điện gió, công suất 100MW, đã thi công xong, nhưng chưa tiến hành đền bù khi đi qua đất nông nghiệp của người dân.
Quang Minh – thoibao.de