Ngày 15/7, BBC Tiếng Việt cho hay “Người Việt Nam trong bức tranh toàn cảnh vượt biển vào Anh”.
BBC cho rằng, thảm kịch 39 người chết trong xe tải đông lạnh ở hạt Essex (Vương quốc Anh) vào năm 2019, dường như không khiến nhiều người Việt chùn chân, trong hành trình tìm miền đất hứa.
Thay đổi cách thức, nhiều người Việt đang tìm mọi cách để vượt biển vào Anh trong giá lạnh.
BBC dẫn thống kê của Bộ Nội vụ Anh, vào tháng 3/2024 cho biết, Việt Nam nằm trong top 10 nước có nhiều công dân vượt biển đến Anh nhất. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 7, chỉ sau Afghanistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Eritrea, Syria và Iraq.
Theo Bộ Nội vụ Anh, tính từ năm 2018 đến năm 2023, đã có 3.356 người mang quốc tịch Việt Nam vượt eo biển Manche vào Anh, bằng thuyền nhỏ.
Nếu như năm 2018 chỉ có 4 trường hợp người Việt vượt biển vào Anh bị phát hiện, thì tới năm 2023 con số đã là 1.323 người.
BBC dẫn Tổ chức Đánh giá Di cư Cưỡng bức, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Người tị nạn của Đại học Oxford (Vương quốc Anh), cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về số lượng người nhập cư lậu vào châu Âu, với đa số là nam thanh thiếu niên đến từ một số tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
BBC nhắc đến kế hoạch ngăn chặn người nhập cư trái phép của Thủ tướng Anh Keir Starmer, bằng các biện pháp cứng rắn hơn, để “đập tan” những nhóm tội phạm buôn người.
Theo đó, Đảng Lao động của ông Starmer đưa ra cam kết, sử dụng các điều tra viên và lực lượng chống khủng bố, để ngăn chặn và xử lý những kẻ buôn người.
Kế hoạch của Chính phủ do Đảng Bảo thủ cầm quyền trước đây, về trục xuất người nhập cư trái phép đến Rwanda, đã bị Đảng Lao động bãi bỏ khi lên nắm quyền.
Theo BBC, trong năm 2023, có hơn 84.000 người đã nộp đơn xin tị nạn tại Anh. Năm 2022 là gần 100.000 người xin tị nạn.
Số lượng đơn xin tị nạn hàng năm, bao gồm cả người phụ thuộc, đạt mức cao nhất khoảng 103.000 người vào năm 2002, trong bối cảnh người dân tháo chạy các cuộc xung đột tại Afghanistan, Somalia và Iraq.
Số đơn nộp tị nạn sau đó sụt giảm đáng kể, xuống mức thấp nhất trong 20 năm, là 22.600 đơn vào năm 2010.
Tuy nhiên, vẫn theo BBC, số đơn nộp xin tị nạn tại Anh lại tăng trở lại trong suốt những năm 2010 khi người tị nạn bỏ chạy khỏi Syria.
Năm 2023, số người xin tị nạn Anh nhiều nhất đến từ Afghanistan với 9.307 người.
Nhóm đông tiếp theo với khoảng 7.400 người, đến từ Iran, kế tiếp là Pakistan, Ấn Độ và Bangladesh.
BBC cho biết, người tị nạn Ukraine đến Anh sau cuộc xâm lược của Nga, không tính trong số liệu này.
Tính đến ngày 9/7, có 260.500 thị thực được cấp cho những người tị nạn Ukraine, qua các lộ trình hợp pháp do Chính phủ Anh thiết lập.
Có các thỏa thuận đặc biệt được thiết lập cho các nhóm cụ thể khác đến Vương quốc Anh, chẳng hạn như người tị nạn Afghanistan và một số công dân Hong Kong.
BBC cũng cho biết, có 128.000 đơn xin tị nạn đang chờ được xử lý.
Một số người phải chờ từ vài tháng, hoặc thậm chí vài năm, để đơn xin tị nạn được xem xét.
Bộ Nội vụ Anh có thể trục xuất người không có quyền sống hợp pháp tại Anh, hoặc từ chối cho họ nhập cảnh.
Năm 2023, có 6.014 người không được cấp quy chế tị nạn, phải trở về quốc gia của mình. Số lượng công dân bị trục xuất tăng gấp đôi so với mức của năm 2022, nguyên nhân chính là vì số lượng người Albania bị trục xuất, tăng từ con số 988 lên mức 3.369 người.
Cùng năm 2023, 1.889 người vượt biển bằng thuyền nhỏ đến Anh bị trục xuất.
Với các quốc gia châu Âu khác, BBC cho biết thêm, năm 2023, Đức nhận 329.035 đơn xin tị nạn; Tây Ban Nha nhận 160.460 đơn; Pháp nhận 145.095 đơn; và kế tiếp là Ý với 130.565 đơn.
Năm 2023, Anh là quốc gia có số lượng người nộp đơn xin tị nạn cao thứ 5 ở châu Âu.
Hoàng Anh – thoibao.de