Ngày 16/7, VOA Tiếng Việt loan tin “Đàm Vĩnh Hưng bị phạt tiền và cấm diễn 9 tháng vì đeo huy hiệu Việt Nam Cộng Hoà”.
VOA dẫn tin từ truyền thông nhà nước cho hay, nam ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam, Đàm Vĩnh Hưng, vừa bị đình chỉ biểu diễn 9 tháng, và bị phạt 27,5 triệu đồng, vì đeo huy hiệu giống “Biệt công bội tinh” của Việt Nam Cộng Hòa, trong một buổi biểu diễn hồi tháng 5 vừa qua.
VOA dẫn báo Thanh Niên và trang tin chính thức của Chính phủ Việt Nam, theo đó, quyết định xử phạt do bà Trần Thị Diệu Thúy – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ký ngày 10/7, cho biết, nam ca sĩ này, có tên thật là Huỳnh Minh Hưng, bị cho là đã “thực hiện hành vi biểu diễn nghệ thuật sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội”.
VOA nhắc lại, trước đó, vào ngày 4/5, trong chương trình Live Concert 2024 với chủ đề “Ngày em thắp sao trời” ở Thủ Đức, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã biểu diễn, mặc bộ trang phục có gắn các phụ kiện trên ngực áo. Trong đó có một phụ kiện trông giống như “Biệt công bội tinh” – một huy chương thường được trao tặng cho quân nhân có công, trong thời Việt Nam Cộng hòa, từ 1950 đến 1974. Trên huy hiệu này có dòng chữ “Marine Semper fi”, là cụm từ viết tắt của “Marine Corps Semper Fidelis” lấy từ tiếng Latin, có nghĩa là “Thuỷ quân lục chiến (Mỹ) luôn trung thành”. Cụm từ này vốn là một phương châm của Thủy quân lục chiến Mỹ, thể hiện sự cam kết trọn đời đối với quân đoàn và nước Mỹ.
VOA cho biết, sau khi sự việc lan truyền lên mạng xã hội và truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố sẽ mời chuyên gia thẩm định, và sau đó đưa ra kết luận của Hội đồng Nghệ thuật vào ngày 12/6, nói, việc sử dụng trang phục cách điệu theo phong cách quân đội nước ngoài, và các phụ kiện với hình tượng huân, huy chương, của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là “không phù hợp nội dung các tiết mục và tổng thể chương trình, không phù hợp với giá trị văn hoá Việt Nam, dễ liên tưởng đến các vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị, gây phản cảm và đã tạo nên dư luận xấu”, theo trang tin của Chính phủ Việt Nam.
VOA dẫn lại lời trần tình của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, khi lên tiếng về vụ việc trên trang mạng Facebook, rằng, bộ trang phục được đặt thiết kế riêng này, lấy cảm hứng từ bộ trang phục mà nam ca sĩ rất thích trên sàn diễn thời trang runway quốc tế.
Đàm Vĩnh Hưng nói, những phụ kiện trên trang phục chỉ mang tính chất trang trí, hoàn toàn không có một ẩn ý về chính trị nào như các trang mạng dẫn dắt.
Tuy nhiên, nam ca sĩ cũng đã lên tiếng xin lỗi, và quyết định không sử dụng trang phục này tại show diễn tiếp theo tại Hà Nội.
Dư luận cho rằng, việc chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cho điều tra và xử phạt, cũng như cấm ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng biểu diễn 9 tháng, là sự vi phạm trắng trợn về quyền biểu đạt của ca sĩ này, mà nói rộng hơn là vi phạm nhân quyền.
Dẫu cho trang phục của nam ca sĩ “không phù hợp” như quy kết của chính quyền, dẫu nam ca sĩ thường xuyên có những phát ngôn gây sốc, và dẫu nam ca sĩ này bị cộng đồng người Việt tự do đánh giá là “bưng bô”, thì ông vẫn toàn quyền biểu đạt, bằng ngôn ngữ, bằng trang phục, bằng hình ảnh, những gì ông muốn thể hiện. Việc yêu ghét một ca sĩ, ủng hộ hay tẩy chay, hãy để cho người hâm mộ quyết định.
Khi chính quyền can thiệp quá sâu vào những chuyện như thế này, có nghĩa là không gian tự do của người dân, của xã hội, đang bị siết chặt.
Thu Phương – thoibao.de