Chiều 19/7/2024, truyền thông nhà nước đã đồng loạt đưa tin, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – ông Nguyễn Phú Trọng, đã qua đời.
Trước đó, ngày 18/7, Bộ Chính trị thông báo, đã phân công Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì công việc lãnh đạo Đảng.
Vậy là, ông Nguyễn Phú Trọng đã chính thức kết thúc sự nghiệp chính trị của mình, sau gần 3 nhiệm kỳ, trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, từ năm 2011 cho đến nay.
Theo thông lệ, khi một chính trị gia nổi tiếng qua đời, hoặc rời khỏi chức vụ, người ta sẽ đánh giá về “di sản” mà người đó để lại cho hậu thế. Tổng Trọng đã cầm quyền trong một thời gian dài suốt 13 năm 181 ngày.
Truyền thông nhà nước đưa tin, chiều 18/7, Ban lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, đã tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Sao Vàng cho Tổng Trọng, tại giường bệnh của ông trong Bệnh viện Quân đội 108. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Tô Lâm đã công bố Quyết định, và trao Huân chương Sao Vàng tới Tổng Trọng. Truyền thông lề Đảng cho hay, Tổng Trọng được đánh giá là “người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Tuy nhiên, trái với những đánh giá của lề Đảng như vừa kể, trên mạng xã hội và các diễn đàn chính trị của người Việt, cũng có nhiều bình luận sôi nổi về cái gọi là “Di sản của ông Nguyễn Phú Trọng” để lại cho hậu thế, với góc nhìn ngược lại.
Theo đó, đa phần các ý kiến đều thống nhất rằng, sự nghiệp chính trị của ông Trọng, trong gần 3 nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, gói gọn trong hai chữ “thất bại”, nhất là trong công cuộc chống tham nhũng và công tác nhân sự.
Theo giới chuyên gia, công cuộc chống tham nhũng của Tổng Trọng đã hoàn toàn thất bại. Càng chống tham nhũng, thì tình trạng tham nhũng ngày càng tràn lan rộng, phát triển như “nấm mọc sau mưa”. Không chỉ vậy, gần 8 năm “đốt lò” của Tổng Trọng, đã làm bộc lộ ra những căn bệnh trầm kha của hệ thống chính trị Việt Nam.
Những vụ đại án nối tiếp nhau với số tiền tham nhũng, vụ sau lớn hơn vụ trước, lên đến hàng triệu USD, đã không còn khiến công luận ngạc nhiên nữa.
Tương tự, Tổng Trọng trên cương vị Trưởng tiểu ban Nhân sự, tại Đại hội 12 và 13, cũng đã thất bại toàn tập. Có quá nhiều quan chức được đích thân ông Trọng lựa chọn, nhưng sau đó đã bị phát hiện nhúng chàm. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến nay, có hàng trăm cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, đã bị kỷ luật. Trong đó có tới 7 uỷ viên Bộ Chính trị bị buộc phải thôi chức, vì liên quan đến tham nhũng.
Điều đó cho thấy, chất lượng nhân sự cấp cao mà Tổng Trọng chọn, rất có vấn đề.
Hễ “lò” đụng tới đàn em nào của Tổng Trọng, thì người đó, không tham nhũng, cũng vướng vào những sai phạm tày đình, như Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh…, rồi Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai. Điều đó cho thấy, Tổng Trọng không có đủ năng lực, trình độ và nhận thức, để chống được tham nhũng.
Rõ ràng, sự thất bại của công tác chống tham nhũng, cũng như công tác nhân sự cấp cao của Tổng Trọng, đã làm giảm đi rất nhiều niềm tin của dân chúng đối với Đảng. Dư luận xã hội ở Việt Nam, thông qua các mạng xã hội, cho thấy, người dân đang có thái độ hết sức “hoan hỉ”, thay vì “tiếc thương”, khi nghe tin ông Nguyễn Phú Trọng đã qua đời.
Ngoài ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bị đánh giá là có tham vọng quyền lực rất lớn. Dẫu rằng, ông Trọng đã “ngồi ỳ” trên ghế đứng đầu Đảng gần trọn 3 nhiệm kỳ, vậy mà, đến lúc sắp “nhắm mắt, xuôi tay”, nhân sự kế nhiệm thay thế cho chức Tổng Bí thư vẫn không được chuẩn bị và hoàn tất. Đây là một trong những thất bại trầm trọng và nặng nề của Tổng Trọng, đồng thời, cũng thể hiện trình độ và năng lực hạn chế của ông.
Đó cũng là lý do vì sao, từ đầu năm 2024, khi giới phân tích quốc tế đánh giá về tình hình chính trị Việt Nam, đã cho rằng, “nhắc đến Việt Nam, người ta chỉ nghĩ đến những đại án tham nhũng, và hàng loạt các nhân sự cấp cao lần lượt từ chức”. Trong khi đó, đất nước vẫn chưa giải quyết được những khó khăn, ảnh hưởng xấu đến thu hút đầu tư nước ngoài, vì cán bộ tránh né ký các quyết định cần thiết vào thời điểm này, sợ bị kéo vào cuộc chiến quyền lực.
Trà My – Thoibao.de