Trong thông báo của Bộ Chính trị ngày 18/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ không còn điều hành các hoạt động của Đảng, mà thay vào đó là Chủ tịch nước Tô Lâm.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, trong thông báo, Đảng đã kêu gọi toàn dân, toàn quân, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, và sự quản lý của Nhà nước. Đây là một nội dung cho thấy sự ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng, từ việc ông Nguyễn Phú Trọng qua đời. Và việc chuyển giao quyền lực trong Đảng sẽ hoàn toàn không “suôn sẻ”.
Chỉ sau khi ông Trọng qua đời, thì mối quan hệ được cho là mật thiết giữa Tổng Bí thư và cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm, mới chính thức được tiết lộ. Theo giới thạo tin, trước khi hôn mê sâu vào chiều ngày 17/7, Tổng Trọng đã chọn ông Tô Lâm là người điều hành Đảng thay ông, và sau đó Bộ Chính trị đã thống nhất.
Với lý do, ông Trọng tin tưởng ông Tô Lâm, vì ông Tô Lâm đã đóng vai trò quan trọng trong công cuộc “đốt lò”. Và ông Trọng tin tưởng, Tô Chủ tịch sẽ duy trì tiếp tục công cuộc chống tham nhũng – một di sản của Tổng Trọng.
Qua đó đã thấy được, chủ trương biến Việt Nam trở thành một nhà nước Công an trị, là chủ trương của Tổng Trọng, mà Bộ trưởng Công an Tô Lâm chỉ là người thực hiện. Đó là lý do tại sao, chủ trương đưa lực lượng “thanh kiếm và lá chắn” chuyển thành lực lượng “còn Đảng, còn mình” của ông Trọng, được Bộ trưởng Tô Lâm thực hiện triệt để, với mục tiêu bành trướng sức mạnh của Bộ Công an.
Bộ Công an đòi hỏi hay yêu cầu bất kỳ vấn đề gì, đều được Tổng Bí thư ủng hộ tuyệt đối. Và chỉ trong vòng hơn 8 năm sau Đại hội 12, Bộ Công an đã trở thành một Bộ “siêu quyền lực”. Bộ trưởng Tô Lâm trở thành một nhân vật có quyền lực “vô đối” như đã thấy.
Một câu hỏi đặt ra, ai sẽ lên thay và giữ chức vụ người đứng đầu Đảng, sau khi ông Trọng qua đời. Theo giới phân tích quốc tế, sau khi ông Trọng chết đi, ngay lập tức sẽ xuất hiện một “khoảng trống” quyền lực. Và lập tức, điều này sẽ dẫn đến những tranh chấp, đấu đá quyết liệt trong nội bộ Đảng, để tranh giành ghế Tổng Bí thư.
Trên thực tế, theo quyết định của Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ nắm quyền tạm thời, theo sự “phân công”, và thực hiện trong khuôn khổ các quy định của Bộ Chính trị. Như vậy, trên lý thuyết, Chủ tịch Tô Lâm không được phép “tự tung, tự tác” như thời Tổng Trọng còn sống.
Dẫu rằng, ông Tô Lâm đang có lợi thế trên cương vị lãnh đạo cao nhất, nên có thể cài một số tay chân vào các vị trí then chốt. Tuy nhiên, với đánh giá chung, ông Tô Lâm không đủ tư cách đạo đức và phẩm chất để giữ cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các phe khác trong Đảng, cụ thể là giới tướng lĩnh Quân đội và phe Nghệ Tĩnh, có chịu chấp nhận để một ông Tướng Công an leo lên ghế Tổng Bí thư hay không? Đây là một diễn biến chưa từng có tiền lệ.
Thực tế cho thấy, ông Tô Lâm đã không nhận được sự ủng hộ của đa số các lãnh đạo cấp cao trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng như Ban Chấp hành Trung ương. Đây là một nhược điểm đã và đang được Thủ tướng Phạm Minh Chính triệt để khai thác, thông qua mối quan hệ tốt với các tướng lĩnh Quân đội.
Theo quy định của Đảng, từ nay tới trước Hội nghị Trung ương 10 (tháng 10/2024), Bộ Chính trị sẽ phải triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường, hay thường niên, để bầu Tổng Bí thư mới, hoặc phê chuẩn Nghị quyết cử ông Tô Lâm làm Tổng Bí thư tạm thời, cho đến Đại hội Đảng 14 vào năm 2026.
Ba lãnh đạo cao nhất hiện nay, là Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, và Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, sẽ là những lựa chọn chính trong Hội nghị 10, khi tiến hành bầu Tổng Bí thư mới. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là, liệu đa số các lãnh đạo cấp cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, và Ban Bí thư, có ủng hộ ông Tô Lâm hay không? Nếu không, việc đấu đá nội bộ sẽ tiếp tục gay gắt, thậm chí còn gay gắt hơn trước, và kéo dài cho đến năm 2026, năm diễn ra Đại hội 14?
Xin nhắc lại, khác với các giới chức lãnh đạo thuộc khối dân sự, các tướng lĩnh thuộc Bộ Quốc phòng là “bất khả xâm phạm”. Quân đội có ưu thế đặc thù, có hệ thống tư pháp riêng, nên quyền lực của ông Tô Lâm và Bộ Công an không có thẩm quyền can thiệp.
Trà My – Thoibao.de