Ngày 21/7, BBC Tiếng Việt cho hay “Di sản Nguyễn Phú Trọng từ góc nhìn báo chí quốc tế”
Theo đó, BBC nhận xét, dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam có đường lối ngoại giao khéo léo, có nền kinh tế tăng trưởng tốt, nhưng kém bao dung với tiếng nói bất đồng, nhiều xung đột xã hội, bộ máy quan liêu trì trệ, pháp quyền đi xuống nhường chỗ cho quyền lực cá nhân.
BBC cho biết, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời vào ngày 19/7, hàng loạt hãng tin, tờ báo, đài phát thanh, truyền hình quốc tế đã đưa tin, trong đó có nhiều bài viết, bản tin đánh giá sự nghiệp của ông cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Có không ít tờ báo chính thống tại Việt Nam đã lược thuật theo cách chọn lọc các đánh giá tích cực từ báo chí quốc tế, và bỏ qua các đánh giá tiêu cực.
BBC cũng cho hay, trên thực tế, ngoài những đánh giá tích cực một chiều từ các cơ quan báo chí cộng sản của Cuba, một số báo nhà nước của Trung Quốc, Lào,… báo chí từ thế giới tự do có đánh giá rất đa dạng, đa chiều về sự nghiệp của ông Trọng.
BBC tóm tắt lại một số đánh giá nổi bật sau:
- Kinh tế Việt Nam khởi sắc dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng.
- Đường lối ngoại giao “cây tre” khéo léo giúp Việt Nam cân bằng quan hệ với các cường quốc trong bối cảnh có nhiều xung đột mới.
- Chiến dịch chống tham nhũng đưa nhiều quan tham vào lò, nhưng không giải quyết được vấn đề cốt lõi về mặt hệ thống, khiến bộ máy hành chính trì trệ do quan chức sợ không dám ra quyết định.
- Việt Nam trở thành bản sao của Trung Quốc, khi mà các thể chế và quy tắc không quan trọng bằng quyền lực cá nhân.
- Việt Nam ngày càng không khoan nhượng với tiếng nói bất đồng, bắt nhiều nhà hoạt động, trấn áp các tiếng nói phản kháng từ thường dân.
- Ông Trọng đã thất bại trong công tác nhân sự khi không có người kế nhiệm.
BBC trích hãng tin Bloomberg hôm 19/7, đánh giá, “Ông Trọng là người ủng hộ mạnh mẽ việc mở cửa đất nước, từng bị cô lập để đón đầu tư nước ngoài.
Việt Nam chuyển đổi thành một trong những nền kinh tế, phụ thuộc vào thương mại nhất trên thế giới, với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do”.
BBC cũng cho biết, đánh giá với báo giới, nhiều nhà quan sát chính trị và kinh tế Việt Nam cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng đã dẫn tới một bộ máy hành chính trì trệ. Các quan chức do quá sợ hãi nên không dám ra quyết định, khiến nhiều thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến đầu tư, bị trì hoãn. Giải ngân đầu tư công cũng đình trệ. Kinh tế Việt Nam lãnh nhiều hệ lụy từ cuộc chiến này.
Với việc đặt mục tiêu bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam lên đầu, ông Nguyễn Phú Trọng đã chủ trương, không khoan dung đối với các quan điểm bất đồng với lập trường chính thống của Đảng.
BBC dẫn báo The Washington Post, cho rằng: “Đồng thời, ông Trọng siết chặt sự kìm kẹp của nhà nước đối với các quyền tự do khác. Ông giám sát các chỉ thị cứng rắn của Đảng Cộng sản nhằm vào giới truyền thông, các nhóm xã hội dân sự và các thách thức chính trị nội bộ.”
The Washington Post cho biết, theo số liệu ước tính của nhóm hoạt động nhân quyền – Dự án 88, dưới thời ông Trọng, Việt Nam bỏ tù gần 200 người vì lý do chính trị, bao gồm các nhà hoạt động công đoàn, nhà báo và nhà hoạt động môi trường.
BBC cũng dẫn tờ báo New York Times ngày 20/7, đánh giá, ông Trọng đại diện cho thành phần theo chủ nghĩa Marx – Lenin trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, bên cạnh những người khác được xem là thực dụng và ôn hòa hơn.
BBC dẫn nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói với hãng tin AP ngày 19/7 rằng,
cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng để lại một khoảng trống chính trị lớn ở Việt Nam. Mặc dù ông Tô Lâm được xem là người có khả năng cao nhất sẽ trở thành Tổng Bí thư, “một thời kỳ rất bất định” trong chính trị Việt Nam, vì các quy tắc và thể chế điều hành đất nước đang “lung lay”.
Tiến sĩ Giang cho biết thêm, ở Việt Nam, quyền lực tối cao có thể do Tổng Bí thư Đảng nắm giữ, Chủ tịch nước bị coi là số 3. Những thay đổi nhanh chóng ở vị trí này đã dẫn đến một mức độ bất ổn nhất định.
BBC trích dẫn trang Council on Foreign Relations hôm 19/7, theo đó, “Như nhà quan sát lâu năm về Việt Nam là David Hutt đã lưu ý, cách mà ông Nguyễn Phú Trọng củng cố quyền lực khiến Đảng Cộng sản Việt Nam, và cả đất nước, dễ bị lãnh đạo bởi một nhà lãnh đạo tương lai còn độc tài hơn nữa.”
Theo quan điểm của ông Hutt, một nhà lãnh đạo tương lai thậm chí sẽ không bận tâm đến việc giả vờ chia sẻ quyền lực giữa một số quan chức cấp cao.
Thu Phương – Thoibao.de