Ngày 21/7, mục Điểm Tuần Báo của RFI Tiếng Việt cho hay “Việt Nam: Khoảng trống quyền lực nguy hiểm sau thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
RFI cho biết, đây là nhận định của tuần báo Pháp Courrier International, về sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời hôm thứ Sáu 19/7, ở tuổi 80, để lại “một khoảng trống khó lấp đầy”, trong đời sống chính trị Việt Nam.
RFI dẫn tờ báo tiếng Pháp, trực thuộc Thông Tấn xã Việt Nam – Le Courrier du Vietnam, theo đó, một ngày trước khi ông Trọng qua đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra thông cáo cho biết, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ “tạm thời” điều hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, để có thể “tập trung điều trị tích cực cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Bộ Chính trị trao cho ông Trọng Huân chương Sao Vàng – “huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Và tờ báo mạng Asia Sentinel có trụ sở tại Hong Kong nói thêm, huân chương này “thường chỉ để truy tặng”.
Theo RFI, hôm thứ Sáu 19/7, Asia Sentinel cũng là tờ báo ngoại quốc đầu tiên loan tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, trước khi báo chí nhà nước nhìn nhận.
Cơ quan truyền thông này nhận xét, “Sau khi đẩy lui được một đối thủ trước Đại hội Đảng năm 2016, và dù bị đột quỵ vào giữa năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn nắm trọn quyền hành cho đến những tháng gần đây”.
RFI cũng cho biết, tạp chí tin tức quốc tế của Mỹ The Diplomat nhắc lại, hồi tháng Giêng, ông Trọng đã không thể gặp Thủ tướng Lào và Tổng thống Indonesia. Việc Tổng Bí thư không xuất hiện công khai, khiến người ta đồn đoán sức khỏe của ông diễn biến xấu. Năm 2023, Nguyễn Phú Trọng đã phải hủy chuyến công du Hoa Kỳ. Theo Asia Sentinel, “Vào mùa xuân, đã có những tin tức là ông Trọng làm việc trong một phòng dành riêng của khu hồi sức ở Bệnh viện Quân đội 108 Hà Nội, ông thường qua đêm ở đó trong trường hợp cần chăm sóc khẩn cấp”.
Vẫn theo RFI, ngày 20/6, khi Vladimir Putin đến Hà Nội, một tấm ảnh của tờ báo Nga Sputnik News cho thấy, Tổng Bí thư phải ngồi dựa hẳn vào ghế, mà tờ báo Nhật Nikkei Asia cho rằng, “có thể do tác dụng phụ của thuốc”. Báo chí Việt Nam không nói gì về tình trạng này.
RFI dẫn tờ Nikkei Asia, cho rằng, từ nay đấu tranh quyền lực trong Đảng sẽ gia tăng mạnh mẽ. Hai nhà nghiên cứu Việt Nam trong một bài viết đăng trên trang web Singapore Fulcrum khẳng định, ông Trọng qua đời “sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cho tương lai chính trị Việt Nam”, với “cuộc khủng hoảng kế nhiệm”.
RFI nhắc lại, lên làm Tổng Bí thư từ năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng có “quyền lực chưa từng thấy” trong gần 15 năm qua, và một trong những lý do là ông “không hề có tai tiếng gì”. Đặc biệt, ông tung ra chiến dịch chống tham nhũng được mệnh danh là “Đốt lò”, khiến hàng ngàn quan chức bị bắt hoặc cách chức, kể cả những nhà lãnh đạo cao cấp. Nay ông Trọng mất đi, để lại một khoảng trống lớn.
RFI cho biết thêm, nhiệm kỳ Tổng Bí thư của ông còn kéo dài đến năm 2026, tức Đại hội Đảng lần tới. Trang mạng Fulcrum của Singapore tự hỏi, từ nay cho tới lúc đó, Chủ tịch nước Tô Lâm có tạm thời kiêm nhiệm, hay Bộ Chính trị sẽ bầu ra một Tổng Bí thư mới ? Ông Tô Lâm vốn là Bộ trưởng Công an cho đến tháng 5, đã đóng vai trò trung tâm trong chiến dịch chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng, và chiến dịch này “giúp ông có cơ hội loại bỏ các đối thủ trong cuộc đua thay thế ông Trọng”, theo The Diplomat.
Theo đó, Tô Lâm lên thay ông Võ Văn Thưởng bị buộc phải từ chức hồi tháng 3 với cáo buộc vi phạm các quy định của Đảng. Một tháng sau, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng phải từ chức tương tự. Tờ Asia Sentinel nhận định : “Bây giờ chỉ còn mỗi một chướng ngại vật trên con đường trở thành Tổng Bí thư của ông Tô Lâm : Thủ tướng Phạm Minh Chính”.
Xuân Hưng – thoibao.de