Báo chí Việt Nam đồng loạt tô hồng hình ảnh Tổng Trọng

Ngày 20/7, BBC Tiếng Việt nhận xét “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: báo chí kể chuyện “rau muống chấm tương”, “viết chữ trên cát”’.

BBC cho hay, các báo tại Việt Nam đã đồng loạt đổi giao diện sang trắng đen, và kể những câu chuyện về sự liêm khiết và giản dị của Tổng Trọng.

Chuyện “rau muống chấm tương” với bạn học trong sáu năm, là một trong nhiều câu chuyện thời trẻ vượt khó của ông Tổng, được báo chí trong nước tường thuật.

BBC dẫn báo Dân Trí ngày 20/7, viết:

“Trong 6 năm trọ học xa nhà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng những người bạn của mình, ăn cơm với rau muống chấm tương, ra bờ sông Hồng học viết Trung văn trên cát, để tiết kiệm tiền giấy mực”.  

Dân Trí dẫn lời bạn học phổ thông của ông Trọng, tên Vương Khắc Tăng, tại trường Nguyễn Gia Thiều, kể:

“Cuộc sống trọ học rất thiếu thốn. Bữa cơm chỉ có rau muống luộc chấm tương. Trong đó, gạo, tương là mang từ nhà đi. Mỗi khi đi học về thì phân công nhau người đi chợ mua rau, người ở nhà vo gạo thổi cơm.”

“Nhưng, thiếu thốn thế nào cũng không cản trở niềm say sưa học hành. Mỗi chiều, họ lại rủ nhau ra bãi sông Hồng để học ngoại ngữ.”

Trong một bài viết khác, báo Dân Trí dẫn lời ông Vương Khắc Côn, người gắn bó với ông Nguyễn Phú Trọng từ cấp 1 đến hết cấp 2.

“Ngày chúng tôi còn bé, thiếu thốn mọi thứ. Tuổi thơ của chúng tôi là những bữa cơm trộn với củ khoai, củ sắn, đi học về đói vặt cà chua ương ăn cho ấm bụng, những buổi chiều cùng nhau tắm sông.”

BBC trích báo Thanh Niên ngày 20/7, viết về ký ức của bạn làng Ngô Bá Dục, khi nhớ đến Tổng Trọng. Người bạn học chung từ cấp 1 đến cấp 3 này, kể câu chuyện ông Trọng mặc “quần cá rô đớp gấu” đã sờn, rách. Đây là loại quần được may rộng hơn cho trẻ em, để khi lớn lên vẫn mặc vừa.

BBC nhận xét, hình ảnh Tổng Trọng được mô tả thật gần gũi, bình dị giữa nhân dân, cũng được hàng loạt tờ báo tại Việt Nam mô tả.

Theo đó, báo Tuổi Trẻ dẫn lời kể của bà Vũ Ngọc Giáng Hương – Phó Giám đốc Nhà khách T.78:

“Lo bữa ăn, giấc ngủ cho Tổng Bí thư, mọi người đều nghĩ rằng chúng tôi rất áp lực. Điều đó vừa chưa đúng lại vừa đúng. Chưa đúng vì chú rất giản dị, bữa ăn, giấc ngủ đơn sơ như cha mẹ, ông bà ở quê nhà chúng tôi. Còn đúng là phải làm sao không gợn chút cầu kỳ, lãng phí nào để chú hài lòng.”

Bà Hương chia sẻ thêm, trong một lần, khi giặt đồ thì thấy, bộ pijama của ông Trọng đã sờn, sứt chỉ. Bà Hương nói với ông: “Thưa chú, bộ quần áo này đã cũ và sứt chỉ rồi, cháu xin phép mua vài bộ khác cho chú!”. Nhưng ông Trọng không đồng ý, và nhờ bà dùng kim chỉ khâu lại, để mặc tiếp.

“Chúng tôi nghe nhiều về sự giản dị của Tổng Bí thư, về chiếc xe hơi đời cũ, về chiếc áo vest cũ đã sờn vai… nhưng khi trực tiếp phục vụ, thưa chuyện với chú, lại càng cảm nhận sâu sắc hơn”, bà Hương nói.

BBC dẫn tờ báo Điện tử Chính phủ 20/7, phỏng vấn Giáo sư Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nói về gia đình ông Trọng:

“Gia đình đồng chí Nguyễn Phú Trọng có 4 người. Mặc dù nhiều tuổi, nhưng vợ chồng đồng chí sống rất giản dị, liêm khiết, không thuê người giúp việc. Chị Mận, vợ của đồng chí, một cán bộ công an đã về hưu, rất cần mẫn, chăm chỉ việc nhà, chăm lo, sắp xếp để chồng yên tâm công tác.”

“Hai người con của đồng chí đã có gia đình riêng, bản thân các cháu và con dâu, con rể có chuyên môn rất giỏi, hiện làm công việc tốt ở những đơn vị bình thường. Quan điểm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là “công việc của các con, các con phải tự lo lấy, tự chịu trách nhiệm với bản thân và tự khẳng định mình.”

“Trong công tác công vụ, đồng chí nhận đúng mức lương mà Nhà nước chi trả, nhất quyết không nhận thêm “một xu, một hào” nào ngoài chế độ.”

Tuy nhiên, có bạn đọc thắc mắc, báo chí nhà nước tô hồng cho ông Trọng, sao không tiện thể nhắc đến vụ Ciputra, hay vụ tượng vàng 50kg của Formosa nhỉ?

 

Minh Vũ – Thoibao.de