“Đốt lò” và “ngoại giao cây tre” – di sản của Nguyễn Phú Trọng

Ngày 20/7, Giáo sư Alexander Vuving tại trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Honolulu, Hoa Kỳ, đã bình luận trên X về di sản của ông Nguyễn Phú Trọng. Bài viết được dịch giả Song Phan dịch, và đăng trên báo Tiếng Dân ngày 23/7, với tựa đề “Nguyễn Phú Trọng để lại di sản gì?”

Thoibao.de giới thiệu bài viết đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Các thế hệ tương lai sẽ nhớ đến ông Trọng, qua 2 ví von nổi tiếng của ông: “Đốt lò” và “ngoại giao cây tre”. Cả 2 đều biểu thị dấu ấn lớn của ông, trong các chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước.

“Đốt lò” là ví von của Trọng cho chiến dịch chống tham nhũng của mình, bắt đầu chưa đầy một năm sau khi ông trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2011).

Chiến dịch chống tham nhũng không chỉ nhằm vào tệ hối lộ và chủ nghĩa phe cánh, mà còn nhắm vào cả các ý tưởng phóng khoáng. Như ông đã nhiều lần nói: “Tham nhũng chính trị còn nguy hiểm hơn tham nhũng kinh tế”. Những nhà cải cách đã gặp nhiều khó khăn dưới thời ông nắm quyền.

Đồng thời, “đốt lò” lấy bộ máy công an, an ninh làm người gác cổng cho chiến dịch. Những thủ đoạn của Trọng nhằm tập trung quyền lực vào tay mình, sự phụ thuộc vào bộ máy cảnh sát và an ninh, cũng như việc thanh lọc kiểu suy nghĩ phóng khoáng, đã làm thay đổi hệ thống chính trị Việt Nam rất nhiều. Kết quả là, Trọng đã để lại một nhà nước độc đảng, chủ yếu dựa vào các biện pháp kiểm soát và cưỡng chế, thay vì sự đồng thuận và tính chính đáng để cai trị đất nước.

Dưới sự giám sát của Trọng, Bộ Chính trị – cơ quan ra quyết định cao nhất của đất nước, đã tăng vượt trội chưa từng có về số ủy viên có gốc gác từ quân đội và công an.

Di sản lớn nhất của Trọng trong chính sách đối ngoại, là điều mà ông gọi là “ngoại giao cây tre”. Với “cây tre”, ông muốn nói đến sự vững chắc về nguyên tắc và linh hoạt trong chiến thuật. Các chính sách của ông phản ánh cá tính của ông.

Trọng là bậc thầy về “đu dây”. Ông đã “đu dây” giữa Chủ nghĩa Xã hội nhà nước và chủ nghĩa tư bản thị trường, khi viết bài với tư cách là biên tập viên tạp chí Cộng sản của Đảng, trong thập niên 1980 và 1990. Ông “đu dây” giữa các phe phái tranh chấp của Đảng, khi ông còn là một nhà lãnh đạo quốc gia. Và ông “đu dây” giữa các cường quốc, khi giải quyết các vấn đề quốc tế.

Dưới sự lãnh đạo của Trọng, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia, lên “đối tác chiến lược toàn diện”, trong khi cũng gia nhập “cộng đồng chia sẻ tương lai chung” của Trung Quốc. Đó là một thành tựu to lớn trong một khu vực ngày càng bị chia rẽ, khi Việt Nam hiện nổi bật như là một đối tác chiến lược toàn diện duy nhất, của tất cả các cường quốc trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Mục đích của những nỗ lực này là củng cố “mạng lưới an toàn” của Việt Nam trên trường quốc tế. Nó có thể có hiệu quả hiện nay, nhưng đó không phải là phản ứng tốt nhất trước các xu hướng mới trong môi trường địa chính trị, đặc biệt là trước sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi Trọng là bậc thầy về “đu dây” và linh hoạt trong chiến thuật, ông vẫn giữ vững một số nguyên tắc. Mục tiêu chính trị cao nhất của ông là sự tồn tại của Đảng Cộng sản, với tư cách là thế lực thống trị đất nước. Ông đã ghìm cải cách chính trị và kinh tế lại trong suốt 13 năm cầm quyền.

Ban đầu ông cũng ngăn trở quan hệ Việt – Mỹ, nhưng cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 với Trung Quốc năm 2014, đã làm thay đổi quan điểm của ông về Mỹ và Trung Quốc, sau đó, ông trở thành động lực thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ.

Những di sản lớn của Trọng trong chính trị đối nội và chính sách đối ngoại – “đốt lò” và “ngoại giao cây tre” – sẽ sống lâu hơn ông. Ban lãnh đạo mới sẽ tiếp tục “đốt lò”, vì nó mang lại cho bất cứ người nào nắm giữ vị trí đứng đầu một công cụ tuyệt vời trong cuộc tranh giành quyền lực nội bộ.

Ban lãnh đạo mới của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục chính sách “ngoại giao cây tre” của đất nước vì họ tin rằng, đây là cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết những bất ổn trong quan hệ quốc tế.

Có lẽ, điều trớ trêu lớn nhất trong thời của Trọng, là mặc dù các chính sách lớn của ông sẽ sống dai hơn, nhưng ông lại không chỉ định được người kế nhiệm. Tại Đại hội Đảng 13 vào năm 2021, ông đã phải dùng đến biện pháp hạt nhân – phá vỡ các quy định của Đảng, để tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có – vì người được ông hậu thuẫn không nhận được đủ sự ủng hộ từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau đó, trong vòng vài tháng đầu năm nay, mọi lựa chọn của ông về người kế nhiệm đều bị chính “cái lò” của ông loại bỏ khỏi vai trò lãnh đạo.

 

Minh Vũ – thoibao.de