Hồi đầu tháng 6, ông Lương Tam Quang được Bộ Chính trị chấp thuận cho ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an. Đây là lần đầu tiên, Bộ Công an do Tô Lâm điều khiển, đã áp đặt được yêu sách lên Bộ Chính trị, và Bộ Chính trị đã bị chính công cụ của mình điều khiển. Điều này là điềm báo cho một tương lai không tốt đối với tổ chức siêu quyền lực này.
Đã có lần thứ nhất, thì rất có thể sẽ có lần thứ 2 và lần thứ 3 v.v… Trên thực tế, lần thứ 2 đã diễn ra sau lần thứ nhất không lâu, chỉ khoảng hơn 40 ngày. Lần này xảy ra ngay sau khi ông Trọng nhắm mắt. Khi cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng chưa được công bố, thì Bộ Chính trị đã cho công bố rằng: “Bộ Chính trị đã phân công ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định”.
Khi cấp trưởng chết, cấp phó sẽ tạm quyền. Lẽ ra, ông Lương Cường phải là người tạm quyền Tổng Bí thư. Tuy nhiên, ông Tô Lâm đã nhảy ngang, từ Phủ Chủ tịch nước sang Văn phòng Trung ương Đảng, giành lấy quyền lực từ tay Lương Cường.
Từ khi Tô Lâm “tạo phản”, thượng tầng chính trị chỉ có đấu đá và tranh giành, những người được cơ cấu không còn được bình yên như trước. Và khi ông Trọng mất, quyền lực do ông Trọng để lại, không được trao vào tay cấp phó một cách có trật tự, mà bị Tô Lâm giành giật.
Tô Lâm có thể nhảy ngang, giật lấy quyền Tổng Bí thư, là do Tô Lâm đang là người mạnh nhất – người chiến thắng trước mọi thế lực trong Bộ Chính trị. Vị trí quyền Tổng Bí thư chính là “chiến lợi phẩm” của Tô Lâm. Như vậy, Bộ Chính trị lại tiếp tục thua Tô Lâm một lần nữa.
Tính đến ngày ông Trọng chết, Tô Lâm đã 2 lần cho Bộ Chính trị “phơi áo”. Mà đã 2 lần điều khiển được Bộ Chính trị, thì ắt sẽ có lần thứ 3, lần thứ 4 và nhiều lần nữa. Có thể nói, Bộ Chính trị dưới thời Tô Lâm, đã không còn là tổ chức “siêu quyền lực” nữa, danh hiệu ấy giờ đang chuyển sang tay Tô Lâm.
Một khi Tô Lâm đã giật lấy danh hiệu “siêu quyền lực”, thì những hội nghị trung ương sắp tới, khó thoát khỏi bàn tay can thiệp của Tô Lâm. Hiện giờ Tô Lâm đã là người chủ trì công việc của Đảng, thì rất khó để các thế lực khác có thể cắn được miếng ngon, trong miếng bánh quyền lực này. Miếng ngon sẽ được Tô Lâm dành cho đệ ruột của mình.
Theo dự đoán của một số chuyên gia, Tô Lâm sẽ kiêm nhiệm cả 2 chức, Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, từ đây cho tới Đại hội 14. Còn khoảng 3 đến 4 kỳ hội nghị trung ương trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Đại hội 13, với quyền lực trong tay, Tô Lâm dễ dàng trao cơ hội lớn cho các thuộc hạ gốc Hưng Yên, và những người khác thuộc hệ sinh thái quyền lực của ông.
Cụm từ “bộ siêu quyền lực” mà người dân đặt cho Bộ Chính trị, đã thể hiện một nhà nước độc tài toàn trị. Tuy nhiên, khi danh hiệu “siêu quyền lực” được chuyển sang tay Tô Lâm, thì khi đó, chính trị Việt Nam sẽ chuyển sang trang mới, từ độc tài toàn trị sang độc tài cá nhân.
Hậu Nguyễn Phú Trọng, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ bước sang trang mới – trang đen tối cho những thế lực đối đầu với nhóm Hưng Yên của Tô Lâm. Khi chưa nắm được Bộ Chính trị, mà Tô Lâm đã đốn gãy 2 trong “Tứ trụ”, thì khi nắm trọn quyền lực, Tô Lâm sẽ không bỏ lỡ cơ hội sắp xếp lại cả Bộ Chính trị và Tứ trụ. Từ chỗ đối đầu với “Bộ siêu quyền lực”, rất có thể, Tô Lâm sẽ biến tổ chức này thành công cụ, để xây dựng sức mạnh chính trị cho ông trong thời gian tới.
Thái Hà – Thoibao.de