Nhiều nghệ sĩ bị tấn công trên mạng xã hội vì không bày tỏ sự thương tiếc với ông Trọng

Ngày 24/7, BBC Tiếng Việt có bài “Ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, buồn sao cho đúng?”.

BBC cho biết, sau khi thông tin ông Nguyễn Phú Trọng qua đời ngày 19/7 được công bố, hàng loạt người dùng mạng xã hội và nghệ sĩ đã đăng tải hình ảnh, hoặc đổi hình đại diện đen trắng để bày tỏ sự thương tiếc.

Trong trào lưu đó, những người nổi tiếng vì một lý do nào đó mà không thay hình đại diện để tưởng niệm, để tỏ ra mình đang đau buồn, đều bị tấn công. Có người còn bị chỉ trích vì để hình đại diện “không đúng cách”.

BBC kể về một người mẫu áo tắm ở Sài Gòn, bị tấn công vì đăng tải hình ảnh mặc bikini lên tài khoản Facebook cá nhân, vào tối 19/7.

Người mẫu này sau đó đã xóa hình đăng, và đã đăng tải một bức hình đen trắng của Tổng Trọng, để bày tỏ lòng thương tiếc tới ông.

BBC đề cập đến việc, tài khoản Facebook của MC Phan Anh, dưới một bài đăng gần nhất vào ngày 25/6, đã xuất hiện những bình luận chỉ trích, vì thương tiếc Nữ hoàng Anh và vụ cháy ở Paris, nhưng không bày tỏ gì khi ông Trọng qua đời.

BBC cho hay, tối 19/7, trên nhóm “Bí Mật Showbiz Group” với hơn 1 triệu thành viên, có một bài viết với nội dung: “Các nghệ sĩ từng tiếc thương bà Nữ hoàng Anh nay đã treo cờ rủ tưởng niệm cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa nhỉ?”

Nữ người mẫu/diễn viên Châu Bùi đã bị nhiều người nhắc tên tại đây, do từng đăng bài bày tỏ lòng tiếc thương Nữ hoàng Anh vào tháng 9/2022.

BBC cũng nhắc đến chuyện nghệ sĩ Thành Lộc cũng bị chỉ trích, vì trong một thông báo về việc hoãn lịch diễn kịch, tại sân khấu kịch Thiên Đăng, ông viết chữ “quốc tang” cỡ nhỏ và không viết hoa.

Hiện tại, nghệ sĩ Thành Lộc đã đóng tài khoản Facebook.

Một trường hợp khác mà BBC kể ra, đó là TikToker Duy Muối, tức Trần Mạnh Duy, làm việc tại một công ty truyền thông, cũng đã trở thành mục tiêu của những cuộc truy lùng trên mạng, chỉ vì một bình luận trên Facebook.

Sau nhiều áp lực, công ty nơi Duy Muối làm việc đã bãi nhiệm chức danh Giám đốc sáng tạo của anh.

Theo BBC, không chỉ dừng lại ở những lời chỉ trích trên mạng, công an cũng đã vào cuộc.

Ban Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo PA05 phối hợp Công an quận 10, 12 và thành phố Thủ Đức, xác minh, triệu tập 3 chủ tài khoản Facebook vi phạm. Những người này đã bị phạt từ 5,5 đến 7,5 triệu đồng.

Báo chí và công an không cho biết cụ thể nội dung xuyên tạc là gì, sai ở điểm nào.

BBC dẫn một trang Facebook với 1,5 triệu người theo dõi, viết:

“Có nhiều bạn trẻ, thậm chí cả người nổi tiếng, họ lạ lắm…”

“Họ nghĩ rằng ngày buồn của đất nước chẳng liên quan gì đến họ… Nhưng lại không biết, bác hy sinh cả 1 đời, lao tâm, lao trí đến tận hơi thở cuối cùng để cả dân tộc, cũng chính là các bạn được bình an, ấm no hạnh phúc.”

“Không ai bắt bạn phải buồn, nhưng hãy là 1 thế hệ trẻ sống biết ơn.”

Bài viết này đã nhận hơn 6.000 lượt thích và hơn 1.000 lượt thả tim.

Tất nhiên cũng có những ý kiến phản bác luận điểm này, nhưng tương đối ít khi so với số lượng ý kiến đồng tình.

Bên cạnh đó, BBC cũng cho biết, Ban Lễ tang nhà nước đã chính thức công bố, lễ quốc tang Tổng Trọng sẽ được tổ chức vào 2 ngày 25 và 26/7.

Tuy nhiên, một số tỉnh thành đã có chỉ đạo, tạm hoãn các hoạt động vui chơi giải trí trước ngày quốc tang, cụ thể là thành phố Hội An, tỉnh Long An, tỉnh Hà Nam và tỉnh Cao Bằng.

Ngoài ra, có những chương trình và nghệ sĩ chủ động công bố tạm dừng sự kiện.

BBC nhận xét, có thể thấy rằng, dù ngày quốc tang đã được ấn định, nhưng các chương trình và sự kiện vẫn bị hoãn sớm hơn, hoặc là tự nguyện, hoặc là bị áp lực từ chính quyền.

BBC dẫn lời một luật sư tại thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng, việc chính quyền bắt buộc các tổ chức, cá nhân treo cờ rủ hoặc ngừng hoạt động vui chơi giải trí công cộng, ngoài 2 ngày quốc tang, là trái quy định.

Trong những ngày qua, không ít nơi cũng đã bắt đầu treo cờ rủ vài ngày trước ngày quốc tang, như Hà Nội và Sài Gòn.

 

Thu Phương – thoibao.de