Việt Nam gia tăng đàn áp những người “nói xấu” ông Trọng

Ngày 23/7, RFA Tiếng Việt cho hay “Việt Nam tăng cường đàn áp trên mạng và ngoài đời trước tang lễ ông Nguyễn Phú Trọng”.

RFA dẫn trường hợp cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, bị Facebook hạn chế khả năng tiếp cận, sau khi bà đăng tải lên trang cá nhân 2 bài viết. Một bài là “Tại sao Nguyễn Phú Trọng lại được đặc cách chờ lịch sử phán xét?” đăng ngày 19/7, trong đó, bà nhận định: “Không cần chờ đến lịch sử, nhân dân Việt Nam được quyền phán xét ông ngay lập tức”.

Trước đó một ngày, bà cũng viết một bài nhận định về việc ông Tô Lâm phải kiêm nhiệm 2 chức, sau khi ông Trọng qua đời, trong đó có nhắc lại việc Tô Lâm ăn món thịt bò dát vàng tại Luân Đôn, năm 2021, khi còn làm Bộ trưởng Công an.

Ngày 22/7, bà Nghiên nhận được thông báo, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, từ Facebook, rằng, “Chúng tôi nhận được yêu cầu từ [Bộ Thông tin Truyền thông] đề nghị hạn chế khả năng tiếp cận bài viết của bạn”.

Facebook khuyến nghị, bà Nghiên liên hệ với Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam, nếu có bất kỳ câu hỏi nào.

RFA dẫn lời bà Nghiên, nói ngày 23/7:

Facebook đã quy hàng, tức là chạy theo lợi nhuận, và từ bỏ cam kết bảo đảm quyền tự do ngôn luận, khi kinh doanh ở Việt Nam, và họ có thể nói rằng, là hợp tác, thậm chí là thỏa hiệp với lại Đảng Cộng sản Việt Nam, để mà kiểm duyệt những trang Facebook của những người bất đồng chính kiến, hoặc là kiểm duyệt nội dung những bài mà Chính phủ Việt Nam không thích.

RFA cho biết, sự việc tương tự cũng xảy ra với nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức. Chủ bút của trang Thoibao.de cho biết, trong ngày 23/7, mạng xã hội Facebook thông báo, không cho hiển thị 4 bài viết về Tổng Trọng ở Việt Nam.

Ông nói:

Sáng nay thấy Facebook báo, có 4 bài không được hiển thị tại Việt Nam, theo yêu cầu của Bộ Thông tin Truyền thông.”

“Việc thông báo này là mới, vì cả năm nay, Facebook chỉ lẳng lặng khóa bài ở Việt Nam, mà không thông báo gì.”

RFA dẫn báo cáo minh bạch của Facebook, cho biết, từ tháng 7 đến tháng 12/2023, công ty này đã hạn chế quyền truy cập vào hơn 2.300 bài viết, bình luận, nhóm và fanpage ở Việt Nam, do báo cáo từ Cục Phát thanh và Thông tin điện tử của Bộ Thông tin Truyền thông, và Bộ Công an.

Lý do là, những bài viết này bị cáo buộc vi phạm luật pháp địa phương, về cung cấp thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, theo quy định tại Điều 5.1, Nghị định số 72/2013/ND-CP. Các mục còn lại bị hạn chế do bị cáo buộc vi phạm luật pháp địa phương khác.

RFA cũng cho biết, song song với đàn áp trực tuyến xuyên biên giới, nhà chức trách Việt Nam trừng phạt những người ở trong nước, dám có tiếng nói trái ngược với chế độ.

RFA nhắc lại việc Phòng An ninh mạng và Phòng/Chống Tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Công an thành phố Hồ Chí Minh, đã phạt hành chính 7,5 triệu đối với 3 người, vì đăng tải nhiều bài viết có nội dung “nói xấu” ông Trọng, và buộc họ viết cam kết không tái phạm.

RFA dẫn nhận định của một nhà hoạt động, cho rằng:

Hà Nội đang dựng kịch bản về ông Trọng, như một “Bác Hồ mới”, nhằm hâm nóng lại giá trị đã cũ nát của Đảng Cộng sản.”

“Chính vì vậy, những nỗ lực làm rõ, hay vạch mặt ông Trọng và Đảng Cộng sản, lúc này trở thành một trọng tội và bị đàn áp dữ dội.”

RFA cũng dẫn lời một nhà hoạt động khác ở Sài Gòn, cho hay, ông vừa bị công an triệu tập để làm việc về bài viết trên trang cá nhân, bày tỏ sự bất bình về chuyện nhà nước ra lệnh phải “than khóc” đối với ông Trọng.

Ông cáo buộc, trong quá trình làm việc, một số viên an ninh đã đánh và ép ông phải thừa nhận trang Facebook cùng bài viết của mình, nhưng ông phủ nhận và từ chối ký tên. Trước khi cho về, công an nói sẽ triệu tập làm việc tiếp.

 

Ý Nhi – thoibao.de