Ngày 24/7, blog của tác giả JB Nguyễn Hữu Vinh trên RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Nguyễn Phú Trọng: Một cuộc đời thất bại”.
Tác giả đánh giá, ông Trọng thất bại ở mọi lĩnh vực.
Cách đây 36 năm, với các cương vị phụ trách lĩnh vực Tư tưởng, Văn Hóa của Đảng, nhưng ông Trọng không có dấu ấn gì nhằm tạo nên sự mạch lạc, rõ ràng về những vấn đề tư tưởng, hay những nét đặc trưng nào về văn hóa, để Đảng lấy làm phương hướng lãnh đạo.
Ngày nay, nhìn lại đất nước Việt Nam, về văn hóa, người ta nói một câu rất tổng quát và chính xác, đó là sự suy đồi. Sự suy đồi không hoàn toàn chỉ một lĩnh vực, mà trong mọi mối quan hệ xã hội, thói quen, cách hành xử của người Việt.
Đó là một thất bại của ông Trọng.
Về tư tưởng, tác giả phân tích, với chức Trưởng ban Lý luận Trung ương, ông Trọng có nhiệm vụ xây dựng hệ thống lý luận của Đảng, về phương hướng, đường lối, tư tưởng và lý thuyết cho hệ thống chính trị hiện nay.
Tuy nhiên, ông đã “bó tay” khi thừa nhận rằng, “Đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã có Chủ nghĩa Xã hội”.
Trước sự khủng hoảng về tư tưởng, đường lối, Đảng đã hoảng loạn, và vơ vào bất cứ thứ gì, miễn vá víu có lợi cho sự tồn tại của Đảng.
Tác giả cho rằng, bản thân ông Trọng cũng hoang mang và lúng túng về vấn đề tư tưởng. Điển hình là, dù luôn cao giọng “Làm người, hãy là người Cộng sản”, thế nhưng, những hình ảnh bị lộ cho thấy, chính bản thân ông đã từ bỏ tư tưởng Cộng sản vô thần, để “quy y cửa Phật”.
Về công cuộc chống tham nhũng, tác giả nhận định, là một thất bại nữa của ông Trọng.
Bởi “thành quả chống tham nhũng” hơn chục năm khiến người ta giật mình kinh sợ, khi có 169.000 đảng viên bị kỷ luật; hàng chục, hàng trăm ủy viên Bộ Chính trị, uỷ viên Trung ương, tướng tá và cán bộ đủ các cấp vào tù.
Tác giả nhấn mạnh, con số đảng viên bị kỷ luật, chỉ là một phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm, số lớn trong Đảng đã hư hỏng, suy đồi.
Và một Đảng, chứa trong đó số lớn là suy đồi, là hư hỏng, là cướp trộm, tham ô, hủ hóa… thì đó là băng cướp, băng nhóm mafia, chứ không thể coi là một đảng bình thường.
Chính vì thế, tác giả bình luận, nạn tham nhũng càng ngày càng như căn bệnh ung thư, di căn đi khắp cơ thể hệ thống chính trị. Hàng loạt những cuộc bắt bớ khắp nơi, mà đã bắt là bắt cả ổ, cả cụm, cả lô từ lớn đến bé… khiến câu nói của Nguyễn Sinh Hùng được xác nhận là đúng: Lấy đâu người mà làm việc.
Theo tác giả, đến khi chết, ông Trọng đã giơ tay đầu hàng nạn tham nhũng. Những câu nói về “nhân văn” xử nhẹ, tha thứ… chỉ là những biểu hiện bất lực, chỉ để chữa ngượng vì sự hô hào trước đó.
Bởi làm sao chống được tham nhũng, khi chính hệ thống chính trị này là nguồn gốc của sự nảy sinh ra tham nhũng. Khi quyền lực tuyệt đối, thì sự tha hóa cũng là tuyệt đối.
Tác giả tiếp tục đánh giá, ông Trọng chỉ nhăm nhăm việc bảo vệ Đảng. Từ chính trị đến kinh tế, từ đất đai, tài sản cho đến tinh thần, tư tưởng, quyền con người của người dân, tất cả đều bị coi rẻ dưới bàn tay Nguyễn Phú Trọng.
Chưa có thời nào mà những người bất đồng chính kiến bị bắt bớ, tù đày, giam hãm nhiều như dưới thời Nguyễn Phú Trọng.
Chưa có thời nào, mà quyền mở miệng của người dân bị chặn một cách tuyệt đối như thời Nguyễn Phú Trọng.
Chưa có thời nào, mà dân quyền, nhân quyền bị chà đạp, văn hóa, tình người bị coi thường, coi rẻ, tệ nạn từ ma túy đến mại dâm cờ bạc, tham nhũng, cướp bóc của người dân, nở rộ và đều đặn phát triển như dưới thời Nguyễn Phú Trọng.
Chưa có thời nào, mà hệ thống nhà tù của Đảng chứa nhiều “cựu đảng viên” như hiện nay. Ở đó, có đủ một bộ máy khổng lồ, hoàn chỉnh từ thấp đến cao cho một chính phủ nếu cần thiết. Đi kèm với hệ thống tù nhân “Cựu đảng viên” này, là ngân khố đã thâm hụt hàng triệu, chục triệu tỷ đồng tiền máu xương của người dân. Đó là kết quả của hơn chục năm đứng đầu Đảng, để kiên quyết lựa chọn những người “có tài, có đức” vào Đảng, vào Trung ương của Tổng Trọng.
Đó cũng là điển hình cho sự thất bại của cuộc đời Nguyễn Phú Trọng.
Hoàng Anh – thoibao.de