Ngày 29/7, RFA Tiếng Việt bình luận “Thời Chủ tịch Tô Lâm, chính sách về ngoại giao và nội trị Việt Nam có gì thay đổi?”.
Theo đó, các chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam, trước mắt sẽ không có gì thay đổi, ít nhất cho tới Đại hội 14.
RFA cho biết, chỉ trong vòng hơn 1 năm, từ tháng 1/2023 đến 5/2024, Việt Nam thay nhân sự “Tứ trụ” 3 lần, bao gồm 2 cựu Chủ tịch nước là Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Vào thời điểm đó, các chuyên gia quan sát chính trị Việt Nam đều đánh giá, những thay đổi ở cấp thượng tầng như thế, không ảnh hưởng đến các chính sách đối ngoại, cũng như chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi Tổng Trọng qua đời, Chủ tịch nước Tô Lâm tạm thời nhận nhiệm vụ của ông Trọng, khiến dấy lên câu hỏi, các chính sách đối nội, đối ngoại sắp tới của Việt Nam có gì thay đổi không?
RFA dẫn lời một nhà báo độc lập ở Việt Nam, cho rằng, ít nhất là tới Đại hội Đảng 14 vào năm 2026, ông Tô Lâm sẽ chỉ thúc đẩy các chính sách đã được hoạch định từ Đại hội Đảng 13.
“Đường lối Ngoại giao cây tre vẫn được duy trì, vì chủ trương ấy đã mang lại những kết quả ngoạn mục, trong thời gian ông Trọng nắm quyền”, nhà báo này nói.
Nhà báo cho biết, nếu muốn điều chỉnh các chính sách, để khẳng định dấu ấn riêng của mình, ông Tô Lâm phải chờ đến Đại hội 14, sau khi thâu tóm xong quyền lực.
RFA dẫn nhận định của ông Hoàng Tứ Duy – Tổng Bí thư Đảng Việt Tân ở Hoa Kỳ, cho rằng:
“Trong cái tiến trình mà Tô Lâm tiếp tục củng cố quyền lực, những người đối thủ trước đây, những phe nhóm khác, họ sẽ gặp phải sự phản ứng từ Tô Lâm.”
Trước mắt, người cần lo lắng trong lúc này chính là các thành viên trong nội bộ Đảng, những người thuộc các phe nhóm đối thủ của ông Tô Lâm trước đây.
Theo ông Duy, thế mạnh của ông Tô Lâm là “thanh trừng nội bộ”. Ông Tô Lâm leo lên được vị cao trong Đảng, là nhờ loại bỏ được các đối thủ chính trị, chứ không phải là do năng lực điều hành quốc gia.
“Thử thách lớn cho ông Tô Lâm trong những ngày tới, là ngoài cái khả năng thanh trừng nội bộ, thì Tô Lâm có khả năng điều hành quốc gia hay không?”, “Thường thường, các nhà độc tài họ không giỏi trong vấn đề điều hành quốc gia” – ông Duy nhận xét.
Nhà báo nói trên đánh giá, khả năng nội trị lẫn ngoại giao không phải là thế mạnh của của Tô Lâm. Tuy nhiên, Chủ tịch nước tỏ ra khá linh hoạt qua 2 chuyến xuất ngoại đầu tiên, ở Lào và Campuchia mới đây.
“Cả 2 chuyến thăm đều không có tuyên bố chung, nhưng bên trong, khi tiếp xúc với lãnh đạo 2 đối tác quan trọng này, ông Tô Lâm đã đề cập đến nhiều vấn đề then chốt, trong quan hệ với 2 nước láng giềng phên dậu, không tránh những vấn đề gay cấn trong quan hệ, như vấn đề Kênh đào Phù Nam ở Campuchia.”
RFA cho biết, tình hình cả nội trị lẫn ngoại giao tới đây của Việt Nam sẽ khá phức tạp và nhiều thách thức mới.
Nhà báo trên nói, Tô Lâm sẽ có đất dụng võ, vấn đề chưa rõ là ông ấy sẽ “múa các đường quyền” như thế nào.
“Cách đây nhiều năm, Tô Lâm từng được Mỹ đánh giá là thông minh, sắc sảo khi ông ấy mới giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Công an. Từ ấy đến nay, ông ấy đã trưởng thành nhiều, nhưng chủ yếu trên lĩnh vực an ninh trong nước. Trên địa hạt kinh tế và đối ngoại, dĩ nhiên là ông ấy cần tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm.”
“Nhất là bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, sẽ đặt ra rất nhiều thách thức mới cho các nước trong khối Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nếu ông ấy nới tay đàn áp xã hội dân sự trong nước, tỏ rõ bản lĩnh trong quan hệ với Trung Quốc trên Biển Đông, thì ông ấy sẽ được ghi điểm. Tuy nhiên, đây chỉ là những kỳ vọng, thực tế sẽ còn phải chờ.”
Xuân Hưng – thoibao.de