Tấm gương tăm tối của Nguyễn Phú Trọng

Ngày 28/7, blog Nguyễn Anh Tuấn trên RFA Tiếng Việt bình luận “Nguyễn Phú Trọng: Gương không người soi”.

Thoibao.de tóm tắt bài viết này, giới thiệu đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Khi có nhân vật công chúng nằm xuống, người ta thường dẫn thành ngữ “nghĩa tử là nghĩa tận”, nên xí xoá những điều không phải.

Cách ứng xử này chưa hẳn đã là điều nên làm, đối với chính khách.

Công dân lại càng có lý do chính đáng để phê bình chính khách, khi người đó nằm xuống. Bởi lời phê bình chính khách thường gắn với những chính sách của họ – vốn đã và đang ảnh hưởng tới đời sống người dân. Quan trọng hơn, phê bình chính khách là một thực hành dân chủ của tinh thần công dân cao quý, mà trừ độc tài, không một chính khách nào dám hoặc nên khước từ nó.

Không thể phủ nhận, công cuộc đốt lò của ông Trọng đã làm nức lòng công chúng, vốn đã nhiều năm mệt mỏi bởi nạn nhũng lạm của quan quyền. Tuy nhiên, thay vì khai triển một lộ trình cải cách thể chế, nỗi lo mất chế độ đã khiến ông Trọng lựa chọn một giải pháp không thể kém bền vững hơn, là nêu gương đức trị, với ảo tưởng cảm hóa lòng tham lam cố hữu của con người, vốn càng nảy nở trong môi trường quyền lực không kiểm soát.

Mà gương ông nêu chẳng hề trọn vẹn. Bởi khi hàng chục lão thành cách mạng và trí thức kêu gọi ông làm gương, công khai tài sản để nhân dân giám sát, thì ông lại phớt lờ và né tránh, và cho rằng: “kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân”. 

Hơn ai hết, ông hiểu rõ, việc người đứng đầu công khai tài sản sẽ có hiệu ứng domino. Hàng ngàn cấp dưới của ông sẽ không có cách nào để che giấu tài sản, trước hàng triệu con mắt dò xét của công chúng. Đó sẽ là cơn hồng thủy chính trị, cuốn bay chút chính danh đạo đức cuối cùng còn sót lại của Đảng. Sự nêu gương của ông Trọng, bởi thế, chỉ nửa chừng, gắn với những giai thoại về sự giản dị của bản thân, thay vì giúp xây dựng hoặc duy trì những thiết chế thúc đẩy minh bạch, có thể tồn tại lâu dài, ngay cả khi ông còn nữa.

Trên đỉnh cao quyền lực, ông Trọng là người thứ 3, sau Hồ Chí Minh và Lê Duẩn, qua đời khi tại nhiệm. Trong khi, 2 lãnh tụ Cộng sản tiền bối không bị giới hạn nhiệm kỳ, ông Trọng trái lại, đã bất chấp Điều lệ Đảng để cầm quyền.

Ông Trọng và những người ủng hộ đã đưa ra những lý do để biện minh, như nhân dân giao phó, uy tín trong Đảng…

Nhìn ra thế giới, những lý lẽ này thực kém sức thuyết phục.

Sau khi dẫn dắt Cách mạng Mỹ thành công, hơn 200 năm trước, Tổ phụ Lập quốc kiêm Tổng thống đầu tiên Washington đã từ chối lời kêu gọi về việc tranh cử nhiệm kỳ 3, vì không muốn gửi một thông điệp sai lầm rằng, Tổng thống nên cầm quyền đến chết. Mặc dù, ở thời điểm đó, Hiến pháp Mỹ chưa hề quy định giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống.

Gần hơn, Tổng thống Biden cũng nhận ra giới hạn về tuổi tác và sức khỏe của mình, để có lựa chọn sáng suốt là đứng qua một bên, cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo bước tới.

Tổng thống Brazil Lula da Silva, sau 2 nhiệm kỳ với vô số thành tựu kinh tế và uy tín to lớn, đã bác bỏ ý tưởng tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ 3, bằng cách sửa đổi Hiến pháp. Bởi theo ông:

“Khi nhà lãnh đạo nghĩ rằng, mình không thể bị thay thế, chính là lúc, chúng ta bắt đầu thấy ló dạng một kẻ độc tài, hoặc là nảy nòi một chế độ độc tài.”

Những lãnh đạo kể trên đều đã nêu gương tốt về sự tuân thủ luật chơi, và khiến những lãnh đạo kế tiếp phải nghĩ kĩ hơn, nếu muốn thành biệt lệ. Trái lại, những lãnh đạo sau thời ông Trọng hoàn toàn có lý do để tiếp bước ông, dẫm lên giới hạn nhiệm kỳ và cầm quyền suốt đời.

Ở nơi tột đỉnh quyền thế, người ta có thể phải thường xuyên trả lời những câu hỏi cho bản thân mình, về cách ứng xử nên có, trước tiền bạc và quyền lực. Tấm gương ông Trọng để lại, trong tư cách lãnh đạo tối cao, có thể có vài mảng sáng ở khả năng tự chế trước tiền bạc, song lại tăm tối vô cùng khi soi chiếu vào quyền lực.

 

Quang Minh – thoibao.de