Nhận thức chính trị của người Việt không khá hơn Bắc Hàn bao nhiêu

Ngày 30/7, blog Song Chi trên RFA Tiếng Việt bình luận “Phía sau những đám tang lớn của chế độ”.

Tác giả – nữ đạo diễn Song Chi nhắc lại đám tang “hết sức hoành tráng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vào năm 2013. Lúc đó, truyền thông của Đảng đã huy động hết công suất để ca ngợi ông Giáp, và những dòng người xếp hàng dài chờ viếng, những khuôn mặt đẫm nước mắt, đoàn xe tang với nghi thức quốc tang…

Tác giả so sánh, 11 năm sau, tại đám tang Tổng Trọng, bộ máy tuyên truyền Cộng sản lại được dịp phát huy, với hàng loạt ngôn từ khoa trương.

Đối với nhà cầm quyền, những đám tang lớn này, là cơ hội để đánh bóng, tô son trát phấn cho chế độ. Và tất nhiên, khi đã đánh bóng thì “tốt khoe, xấu che”.

Những đám tang này cũng là dịp để trưng ra với người dân và quốc tế, hình ảnh đoàn kết một lòng trong nội bộ Đảng Cộng sản, nhằm cố gắng dẹp đi dư luận về sự bất hòa hay khủng hoảng bên trong.

Tác giả dẫn chứng, ông Võ Nguyên Giáp đã bị Lê Duẩn liên minh với Lê Đức Thọ loại bỏ, cho ra rìa từ rất lâu trước khi mất. Ông Nguyễn Phú Trọng, với chiến dịch “đốt lò” đã hạ bệ bao nhiêu quan chức. Mối quan hệ giữa ông với người này không thể nào vui vẻ, tốt đẹp được. Nhưng trong đám tang của ông, người ta lại thấy có mặt đầy đủ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Lê Thanh Hải… Cứ như thể không có chuyện gì xảy ra, mọi người đều đoàn kết đề huề.

Và cuối cùng, tác giả đánh giá, những đám tang này là dịp để Đảng và nhà nước đo lường, kiểm soát phản ứng của người dân. Ai dám có những lời chỉ trích trên mạng sẽ bị phạt, ai không tỏ ra đau buồn, biết ơn, thì sẽ bị “nhắc nhở” ngay.

Nhưng, tác giả chỉ ra, sự thật phía sau và bên lề cái đám tang “hoành tráng”, trọng thể đó.

  1. Gia tăng đàn áp trước và trong những ngày diễn ra lễ tang:

Tác giả đề cập đến thông tin mà đài RFA Tiếng Việt nêu ra, theo đó, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên đang ở Mỹ, và ông Lê Trung Khoa – Chủ bút trang thoibao.de ở Đức, đã bị Facebook không cho hiển thị bài viết tại Việt Nam, theo yêu cầu của Bộ 4T, vì họ có những góc nhìn khác về ông Trọng.

Đồng thời, nhiều Facebooker đã bị phạt tiền, bị đánh, vì chỉ trích ông Trọng.

  1. “Đấu tố”, “săn lùng” những người không buồn, không tỏ ra thương tiếc hay biết ơn ông Tổng Bí thư.

Tác giả cho biết, trên mạng xã hội xuất hiện hiện tượng “đấu tố”, “săn phù thủy” đối với những người nổi tiếng, nhất là giới showbiz, vì đã không tỏ ra thương tiếc ông Trọng.

Tác giả đặt câu hỏi: Những thái độ này từ đâu mà có?

Rõ ràng là, sau mấy chục năm độc quyền lãnh đạo, Đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã quá thành công trong việc tạo nên vài thế hệ bị tẩy não, tin và nghe theo những gì Đảng nói, gắn việc yêu nước với yêu Chủ nghĩa Xã hội, yêu kính lãnh đạo.

Những cuộc đấu tố kiểu này khiến nhiều người, nhất là những người có tên tuổi, ngày càng ít dám chia sẻ thành thật cảm xúc, suy nghĩ của mình trên mạng xã hội. Họ sẽ sống theo thời, trưng ra những tình cảm yêu ghét theo đám đông.

Tác giả chỉ ra những lý do khiến người Việt ưa thích thần tượng hoá.

Thứ nhất, do người Việt phải sống quá lâu trong chế độ độc tài, có xu hướng thần thành hóa các lãnh tụ của họ.

Thứ hai, do chịu ảnh hưởng của nền giáo dục tuyên truyền một chiều, thường xuyên bóp méo lịch sử và hiện thực, cho phù hợp với quan điểm của Đảng.

Thứ ba, văn hóa Nho giáo, Khổng giáo lâu đời vẫn còn ảnh hưởng, trong đó, người trẻ được dạy phải tôn trọng người già, tôn trọng thầy cô cha mẹ, cấp trên… Cái tôi cá nhân phải xếp sau gia đình, dòng tộc, làng xã…

Ngoài ra, sự thần thành hóa lãnh tụ còn xuất phát từ nội tâm sâu xa của một số người dân, vẫn khao khát một vị “minh quân”, một quan chức tử tế, giữa hàng ngàn quan chức tham nhũng, tệ hại.

Tác giả so sánh, với xã hội Bắc Hàn bị khép kín, thì xã hội Việt Nam mở hơn, người Việt đã kết nối Internet toàn cầu gần 30 năm. Vậy nhưng, hầu như nhận thức chính trị không khá hơn Bắc Triều Tiên là bao nhiêu.

Và đây là một điều rất đáng buồn.

 

Xuân Hưng – thoibao.de