Chính sách về Biển Đông có thay đổi sau khi Tổng Trọng qua đời hay không?

Ngày 1/8, BBC Tiếng Việt bình luận “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời ảnh hưởng thế cục Biển Đông thế nào?”

BBC cho biết, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng hôm 26/7, dẫn nhận định của ông Trương Minh Lượng, Phó Giáo sư tại Đại học Kỵ Nam (Quảng Châu), cho rằng:

“Dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã xoay xở để thiết lập mối quan hệ khá thân thiện với Trung Quốc, ít nhất là bề ngoài. Nhưng đồng thời, mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Nga cũng được nâng lên mức độ chưa từng có.”

“Tất cả đều nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc, để Việt Nam có thể có một môi trường quốc tế thuận lợi và mối quan hệ tương đối ổn định với Trung Quốc, phần lớn nằm trong tầm kiểm soát của Hà Nội.”

Theo BBC, tuy không xảy ra các sự kiện căng thẳng như Philippines, Việt Nam và Trung Quốc, do lịch sử tranh chấp lâu dài và không thể hóa giải, tiếp tục thể hiện lập trường khác biệt trong nhiều vấn đề.

Vào tháng 5/2024, một viện nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng, Việt Nam đang bồi đắp các đảo “chiếm đóng trái phép”.

Vào đầu tháng 3/2024, Trung Quốc giới thiệu 7 điểm cơ bản cho các yêu sách chủ quyền của họ ở Vịnh Bắc Bộ. Phía Việt Nam đã lên tiếng “đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa 2 nước trong Vịnh Bắc Bộ, ký năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc, và UNCLOS 1982″.

BBC dẫn chia sẻ của Tiến sĩ Collin Koh, từ Singapore, rằng, Bắc Kinh không muốn chọc giận Hà Nội, để rảnh tay đối phó với Philippines, và “muốn bêu tên Philippines như là một kẻ dị biệt”.

BBC cũng cho biết, một số chuyên gia cho rằng, Philippines và Việt Nam nên củng cố hợp tác, nhằm bảo vệ lợi ích chung, trước những “hoạt động cưỡng ép” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, sau khi ông Trọng qua đời, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định.

Song song với đó, một số nhận xét cho rằng, người kế nhiệm ông Trọng có thể có những nước đi mới.

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời Giáo sư Zachary Abuza, từ Mỹ, cho rằng, ông Trọng đã đã khiến Bắc Kinh tin rằng “Việt Nam thực sự trung lập và việc cải thiện quan hệ với Washington sẽ không ảnh hưởng đến Bắc Kinh”. Làm được điều này là do ông Trọng có cái nhìn thế giới giống ông Tập, và vì “sự kiên định với tư tưởng Cộng sản của ông Trọng”.

BBC dẫn đánh giá của Giáo sư Trương Minh Lượng, cho rằng, tranh chấp hàng hải vẫn là một trong những biến số lớn nhất trong quan hệ song phương.

Việc Việt Nam nộp hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông, lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc có thể được thực hiện dưới sự giám sát của ông Tô Lâm.

Theo Giáo sư Lượng, điều này có lẽ là muốn “thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc cho công chúng trong nước xem, đồng thời cố gắng gia tăng lợi thế thương lượng của ông Lâm đối với Trung Quốc”.

BBC cũng dẫn chia sẻ của bà Nguyễn Hoàng Anh Thư, tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng:

“Việc nộp đệ trình có 2 mục đích chính. Thứ nhất là để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam đối với vùng biển của mình.”

“Thứ hai là để tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng kéo dài trên Biển Đông.”

BBC dẫn đánh giá của Giáo sư Alexander L Vuving, từ Mỹ, cho rằng, ông Trọng đã chuyển biến quan điểm sau vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, vào năm 2014. Sau đó, ông đã tìm đến Mỹ, cũng như tham gia các cơ chế đa phương khác, như một cách tạo đối trọng. Ông Trọng cho rằng, xử lý mối quan hệ với Trung Quốc không đơn giản, cần kiên quyết và khôn khéo.

BBC dẫn lời ông Khang Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Boston, nói rằng”

“Nếu Việt Nam đủ quan trọng với các cường quốc, thì họ vẫn sẽ giúp Việt Nam khi Việt Nam cần, kể cả khi Việt Nam vẫn giữ trung lập. Chính sự trung lập này giúp các cường quốc yên tâm là Việt Nam sẽ không làm tổn hại lợi ích của họ.”

 

Minh Vũ – thoibao.de