Không đợi đến tháng 10, Tô Lâm cho đánh úp Chính phủ để cô lập Thủ tướng?

Có lẽ, Tô Lâm là người đầu tiên biến ghế Chủ tịch nước thành chiếc ghế quyền lực nhất “Tứ trụ”.

Ngay sau khi lên làm Chủ tịch nước chưa lâu, ông Đại tướng Công an này đã chủ trì phiên họp Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn, về công cuộc đổi mới theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa trong 40 năm. Trước đây, những phiên họp như thế này do Tổng Bí thư chủ trì. Nếu Tổng Bí thư không thể chủ trì vì lý do bất khả kháng, thì Thường trực Ban Bí thư chủ trì. Tuy nhiên, Tô Lâm đã gạt Thường trực Ban Bí thư sang một bên, để tự mình thay thế vai trò Tổng Bí thư.

Giờ đây, Tô Lâm đang nắm trong tay quyền Tổng Bí thư – quyền lực gần như tuyệt đối. Đây là cơ hội lớn để Tô Lâm thực hiện cú đánh cuối cùng, hạ bệ đối thủ lớn nhất ở Chính phủ. Thông tin nội bộ cho biết, sắp tới, sẽ có 2 phó thủ tướng cùng với 2 bí thư tỉnh bị loại khỏi vũ đài chính trị. Hai phó thủ tướng, một là người thuộc nhóm Hà Tĩnh, một là người của ông Chính. Hai bí thư tỉnh có một người từng là tay hòm chìa khóa cho ông Chính, thời còn làm Bí thư Quảng Ninh.

Với vai trò quyền Tổng Bí thư và nắm được hồ sơ đen của rất nhiều lãnh đạo cấp cao, Tô Lâm đang lên kế hoạch ép Bộ Chính trị, tổ chức các cuộc họp bất thường của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, để sắp xếp lại nhân sự. Hai phó thủ tướng bị rụng, thì sẽ có 2 chỗ trống, mà Tô Lâm có thể đưa phe của ông vào, để giám sát Thủ tướng Chính. Ngoài ra, việc đưa Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh lên thớt, cũng là đòn đánh mạnh, nhắm vào Thủ Chính.

Theo đánh giá của một số người am hiểu, thực lực của Phạm Minh Chính không bằng Tô Lâm. Khả năng của Phạm Minh Chính là cầm cự, chịu đòn lâu nhất có thể, chứ không thể phản công. Nếu ông Chính muốn chống lại Tô Lâm, thì cần có sự ủng hộ của Bộ Chính trị và cả quân đội. Cho đến nay, Phạm Minh Chính vẫn chưa cho thấy, ông có khả năng kết nối với 2 địa chỉ này, mặc dù ông đã đánh tiếng.

Hiện nay, quân của Tô Lâm đang ở thế thắng, khí thế đang lên, Tô Lâm cần đánh tiếp để giữ lửa cho những trận thư hùng khốc liệt tiếp theo. Hơn nữa, sau cái chết của ông Trọng, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng còn đang rối ren, Phạm Minh Chính không đủ thời gian để điều chính tuyến phòng thủ cho chắc chắn hơn. Cho nên, Tô Lâm tấn công vào Chính phủ lúc này là thích hợp nhất, khả năng rất cao, sẽ giành thêm lợi thế trước Phạm Minh Chính.

Lâu nay, Chính phủ được xem là sân nhà của Phạm Minh Chính, nếu tỉa gần hết phó thủ tướng và Tô Lâm đưa người của ông vào, thì xem như, ông Chính bị Tô Lâm vây hãm.

Trung ương Đảng khóa 13 đã có đến 7 cuộc họp bất thường, khả năng sắp tới, trước Hội nghị Trung ương 10, diễn ra vào tháng 10 sắp tới, sẽ có một cuộc họp bất thường để chia chác quyền lực.

Với tham vọng loại hết những tàn dư của ông Trọng để lại trong Ban Bí thư, và đánh tỉa dần quân của Phạm Minh Chính trong Chính phủ, Tô Lâm sẽ còn lên nhiều kịch bản nữa, để dần dần biến nhóm Hưng Yên thành nhóm có sức mạnh vô đối, có thể điều khiển cả Bộ Chính trị.

Chính trường Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến khó lường, bởi khi Tô Lâm đã nắm trong tay quyền lực, thì ông không thể ngồi yên, mà sẽ tận dụng tối đa, đánh đánh được ai thì đánh ngay. Đánh nhanh, trám nhanh, thì phe Hưng Yên mới có thể lớn nhanh như “Thánh Gióng”. Cho đến nay, lực lượng của phe Hưng Yên còn khá khiêm tốn so với phe Nghệ Anh, Hà Tĩnh và Hà Nội. Vì thế, Tô Lâm cần tranh thủ cả thời gian và cơ hội, thì mới biến phe Hưng Yên thành phe đông nhất và mạnh nhất.

 

Trần Chương – Thoibao.de