Ngày 5/8, BBC Tiếng Việt có bài: “Diễn biến trời long đất lở trên chính trường Việt Nam năm 2024”.
BBC nhận định, bức tranh chính trị Việt Nam đã trải qua một năm 2024 đầy bất ngờ chấn động, với việc mới nhất là ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư.
Nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam nhận xét, những sự kiện từ đầu năm 2024 đến nay, có thể được ví như những cơn “địa chấn chính trị”.
BBC điểm lại các diễn biến quan trọng trên chính trường Việt Nam, từ đầu năm đến nay, như sau:
Ngày 26/4, Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi giữ tất cả các chức vụ trong Đảng và Nhà nước.
Ngày 2/5, Quốc hội Việt Nam họp bất thường, bỏ phiếu kín miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội của ông Vương Đình Huệ, đồng thời cho ông thôi làm Đại biểu Quốc hội.
Ngày 16/5, Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, Hội nghị Trung ương 9 đã cho thôi giữ các chức vụ, cho nghỉ công tác đối với bà Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư.
BBC cho biết, thông cáo của Trung ương Đảng, đối với các trường hợp Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai, đều không nêu rõ vi phạm cụ thể là gì. Có tin bà bị dính đến sai phạm tại Dự án Đại Ninh – Lâm Đồng. Nhưng cũng có tin, bà bị hàm oan, và nghỉ việc do quá chán ngán chuyện đấu đá nội bộ.
Ngay chiều 16/5, tại Hội nghị Trung ương 9, Bộ Chính trị đã phân công Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm Thường trực Ban Bí thư thay bà Trương Thị Mai.
Cùng ngày 16/5, Hội nghị Trung ương 9 đã bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị.
Ngày 20/5, Quốc hội thông qua nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021 – 2026,
Sáng 22/5, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2021 – 2026, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15.
BBC nhận xét, trong vòng 3 năm qua, người Việt đã chứng kiến 3 lần tuyên thệ nhậm chức, của 3 Chủ tịch nước khác nhau. Trong đó, 2 người đã bị miễn nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ, là ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng.
Ngày 3/6, Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư, đã trao quyết định của Bộ Chính trị, cho Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, thay cho ông Lê Minh Hưng, sau khi ông Hưng trở thành Trưởng ban Tổ chức Trung ương thay bà Trương Thị Mai.
Chiều 6/6, Thượng tướng Lương Tam Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, trở thành tân Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Ngày 21/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13. Trước đó, ông Dũng đã thôi chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.
BBC dẫn kết luận của Bộ Chính trị, theo đó, Đảng uỷ Bộ Tài chính giai đoạn 2016 – 2021, khi ông Dũng làm Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã “thực hiện không đúng, không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ”, liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và quản lý nhà nước về ngân sách liên quan vụ AIC.
Ngày 17/7, bà Bùi Thị Minh Hoài – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Ngày 18/7, Bộ Chính trị ra thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Trọng, đồng thời phân công Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì công việc của Đảng.
Ngày 19/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời lúc 13 giờ 38 phút, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Sáng 3/8, tại Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được bầu làm Tổng Bí thư, nhiệm kỳ Đại hội Đảng 13. Ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết với tỷ lệ tán thành 100%.
Xuân Hưng – thoibao.de