Cuộc chiến tranh giành quyền lực vẫn tiếp diễn khốc liệt, sau khi Tổng Trọng qua đời

Ngày 12/8, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận “Giới tinh hoa chính trị Việt Nam không dừng tranh giành, trong dịp đám tang ông Trọng”, của Giáo sư Zachary Abuza, thuộc Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington.

Tác giả cho biết, sau đám tang Tổng Trọng, tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam đã bắt đầu trở nên rõ ràng hơn, và có thể biết nhiều hơn về những gì sẽ tới.

Trước lễ tang, ông Tô Lâm đã tiến hành củng cố vị trí của mình, thể hiện qua việc, Bộ Chính trị đã bỏ qua ông Lương Cường, để ông Tô Lâm đảm nhiệm các trách nhiệm của ông Trọng.

Tác giả liệt kê những nhân vật thân cận với ông Tô Lâm được thăng chức, nắm giữ những vị trí quan trọng, như:

  • Ông Lương Tam Quang đã trở thành người kế vị chức Bộ trưởng Công an của ông Lâm. Không chỉ cùng quê Hưng Yên, ông Quang còn có quan hệ gắn bó với ông Lâm thông qua gia đình.
  • Ông Nguyễn Duy Ngọc, cũng từ tỉnh Hưng Yên, trở thành Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Đây là một vị trí then chốt trong việc tổ chức các cuộc gặp, và xây dựng chương trình nghị sự. Ông Ngọc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội 14 tới.
  • Ông Lê Minh Hưng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã được bổ nhiệm làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, sau khi được bầu vào Bộ Chính trị. Vị trí này đặt ông vào phụ trách tất cả các vấn đề nhân sự của Đảng, trước thềm Đại hội 14, diễn ra vào tháng 1/2026. Bố của ông Hưng – ông Lê Minh Hương, là cựu Bộ trưởng Bộ Công an và là người dẫn dắt sự nghiệp của ông Lâm.

Tác giả nhắc lại, ngày 3/8, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Chủ tịch nước Tô Lâm làm Tổng Bí thư.

Mặc dù có những đồn đoán rằng, Đại tướng Lương Cường sẽ đảm nhận chức Chủ tịch nước, nhưng thực tế, ông Tô Lâm sẽ vẫn đồng thời giữ chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước – tác giả nhận định.

Hơn nữa, chiến dịch “Đốt lò” chống tham nhũng của ông Trọng vẫn đang tiếp diễn dưới thời Tô Tổng, với cùng một lý do là củng cố quyền lực chính trị.

Tác giả bình luận, mặc dù, nhiều người vẫn xem Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trở lực hiệu quả đối với những tham vọng của Tô Lâm, nhưng ông Chính thực ra lại là người rất dễ bị tổn thương.

Ông Tô Lâm đã giao vị trí Giám đốc Công an Quảng Ninh cho một đồng minh của mình – Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, vào tháng 8/2022, với một nhiệm vụ ngầm, là tìm kiếm những vi phạm, khuyết điểm của ông Chính.

Tác giả cho rằng, ông Tô Lâm giờ đây có một con đường suôn sẻ, để tiến đến mục tiêu được bầu làm Tổng Bí thư tại Đại hội 14, vào tháng 1/2026.

Ở nhiều khía cạnh, cái chết của ông Trọng đã tạo thêm sự ổn định chính trị cho Việt Nam. Nếu mục tiêu của các cuộc điều tra chống tham nhũng nhằm vào các lãnh đạo cấp cao, là để dọn đường cho ông Tô Lâm kế nhiệm ông Trọng, thì sứ mệnh này đã hoàn thành.

Theo tác giả, một điều cuối cùng cần lưu ý là, liệu Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang có được đề bạt vào Bộ Chính trị, và nếu có thì là khi nào? Theo tiền lệ ở Việt Nam, Bộ trưởng Công an luôn là thành viên Bộ Chính trị, và ông Tô Lâm sẽ rất muốn có thêm một đồng minh ở đó.

Tác giả đánh giá, dù thế nào chăng nữa, việc vừa là Chủ tịch nước đồng thời là Tổng Bí thư, trao cho ông Tô Lâm quyền lực và cơ hội tuyệt vời, để đi tới Đại hội 14. Ông có đồng minh chủ chốt ở Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Tổ chức Trung ương. Những nhân tố này sẽ giúp ông gây ảnh hưởng đối với việc lựa chọn hàng ngũ lãnh đạo, trong 16 tháng tới. Ông Lâm cũng sẽ tiếp tục sử dụng các quyền điều tra của Bộ Công an, để giám sát và cản trở bất kỳ đối thủ tham vọng nào.

 

Minh Vũ – thoibao.de